Từ chiếc gáo dừa đơn sơ người ta có thể cắt ghép thành những tác phẩm mỹ thuật với nhiều sắc màu đen, trắng, vàng, nâu,… rất đặc biệt. Tranh ghép gáo dừa trở thành quà tặng mang nhiều ý nghĩa cho các đoàn khách quý. Từ nguyên liệu gáo dừa, người ta còn sản xuất những mặt hàng thủ công mỹ nghệ như túi xách, ví, kẹp tóc, mặt dây chuyền, nhẫn, mặt nạ, đèn ngủ, thiệp chúc mừng, búp bê, con ba ba, con cua, tôm, cá, vỏ đồng hồ,…
Cọng dừa ngày xưa chỉ dùng bó chổi, nay qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công được đan thành những chiếc lẵng hoa, giỏ đựng quà, đựng rượu xinh xinh. Cọng chà dừa có thể biến thành những chiếc lồng đèn với kiểu dáng đa dạng. Chiếc mo nang từ bao đời chỉ dùng làm dụng cụ hốt tro, hốt rác nay trở thành chiếc thuyền chở những bông hoa xinh xắn. Quả dừa “điếc” (dừa lép) cũng được các nghệ nhân tạo thành hình người, hình thú rất ngộ nghĩnh. Nhen dừa (lớp lưới bao bọc giữa các bẹ dừa) làm mũ, túi xách, may dép… Xơ dừa dệt thảm, cuộn làm tổ chim được khách nước ngoài ưa chuộng. Gỗ dừa làm bình trà, bình rượu, lọ hoa, hộp nữ trang…
Người Bến Tre ngày thêm yêu quý cây dừa qua những khám phá mới về lợi ích và công dụng của cây dừa trong đời sống. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, để phát triển bền vững, lâu dài, các nghệ nhân xứ dừa hiện đang miệt mài tìm tòi, cải tiến, sáng tạo các mẫu mã, kiểu dáng, tìm cách kết hợp nguyên liệu dừa với các nguyên liệu khác như mây, tre, lá để nâng cao tính thẩm mỹ của sản phẩm. Nghề thủ công mỹ nghệ tuy chỉ mới phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng đã trở thành một nghề “xóa đói giảm nghèo”, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, muốn tạo thương hiệu, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường các cơ sở thủ công mỹ nghệ cần có sự đột phá trong khâu sáng tạo mẫu mã, cần có những nhà tạo mẫu chuyên nghiệp giúp sức cũng như đầu tư nghiên cứu thị trường.
Theo: mynghedua