Diệu tinh còn gọi là Diệu khí, chỉ các tảng đá nhọn sắc ở trên các gò xung quanh huyệt mộ.
Diệu tinh là khí quý của long mạch
Sách Địa lý nhân tử nên biết viết: “Diệu tinh ở dưới chân khí Thanh Long, Bạch Hổ do long khí sinh ra, có thể ở thủy khẩu dưới minh đường. Những tảng đá nhọn, sắc đều được gọi là Diệu tinh.
Theo phong thủy, Diệu tinh thanh tú, ngay ngắn là cát. Đá núi lởm chởm là hung, gọi là “đất ngũ bất táng”. Tuy nhiên, núi đất thuần túy là biểu hiện của sinh khí không đầy đủ. Thường thì các núi đều có đá, nếu là núi đất thì không có lực. Vì thế cho dù hình thế tốt, thanh tú cũng không hiển quý, huyệt không sinh khí không tụ.
Diệu tinh là khí quý của long mạch. Khí long mạch sinh ra được coi là một trong những tiêu chí để xác định huyệt cát hay hung. Lưu Cơ trong sách Kham Dư mạn hứng nói: “Dư khí của chân long sinh ra tảng đá Diệu tinh, có tảng nhọn dài quý như bạc, có tảng như móng hổ sắc nhọn đầy uy lực”.
Ở đâu có Diệu tinh, mộ đặt ở đó sẽ đại quý. Diệu tinh nhọn như măng sinh ra ở khuỷu gò Long, gò Hổ như mang kiếm chỉ huy nghìn quân, như hàm răng đối với minh đường. Ở địa thế này, gia chủ luôn phú quý, anh hào.
Dương Công nói: “Huyệt chân long không có Diệu tinh nhưng có núi non trùng điệp. Cho dù có thế tích ngọc, tích vàng song con cháu chỉ làm quan nhỏ. Diệu tinh ngắn nhỏ, con cháu phẩm vị thấp”.
Diệu tinh thanh tú, hướng về là cát, bỏ đi là họa. Mặc dù nó có dáng như đao kiếm, cờ bay hướng về huyệt mộ nhưng không làm hại huyệt mộ. Nếu Diệu tinh ở gần huyệt thì phát phúc sớm, ở xa phát phúc muộn.
Sách Địa lý tỉnh tâm lục cho rằng: “Dư khí ở ngoài gò Thanh Long, Bạch Hổ bay phấp phới như dải áo, lại như ấn kiếm nổi lên có dáng thuận phi là khí của Diệu tinh, cát địa. Nếu Diệu tinh có thế tản đi là “sa ly hương hình sát”. Những tảng đá to, nhọn ở thủy khẩu đều là diệu khí. Có tảng như mũi khoan, mũi tiêm ở 2 bên huyệt, gác cho huyệt mộ. Đây là đất đại quý”.
Theo: Bí ẩn thời vận