Phong thủy được xem như một thành tố có tính gạch nối giữa truyền thống – hiện đại trong kiến trúc và đời sống. Đến nay, khoa học về phong thủy gồm 5 đặc tính sau:
Tính tổng hợp
Phong thủy coi trọng việc xem xét nhiều phương diện như địa chất, thủy văn, khí hậu, cảnh quan… để tạo lập môi trường sống tốt nhất. Điều này tương tự với khâu khảo sát hiện trạng và đề ra giải pháp thích ứng với khí hậu trong thiết kế kiến trúc, xử lý kết cấu và kỹ thuật liên quan.
Tính linh hoạt
Khi gặp các thế đất bất lợi, phong thủy luôn có các giải pháp khắc phục từ ngoài vào trong, từ tổng thể đến chi tiết. Ngôi nhà hợp phong thủy là ngôi nhà có giải pháp ít tàn phá môi trường, tận dụng các lợi thế và hạn chế các yếu tố bất lợi của thiên nhiên.
Phong thủy là liệu pháp tâm lý rất tốt
Tính quân bình
Phong thủy luôn nêu cao tính cân đối giữa các thành phần nhà và đất, nhà và con người sao cho hài hòa, không quá thiên lệch, tạo sự cân bằng âm – dương, động – tĩnh trong môi trường sống. Cần xác định rằng, cân bằng không phải là tình trạng chia đều mà là cân bằng động, tùy theo trường hợp cụ thể. Vấn đề là xem xét phần nào là chính, phần nào là phụ, tức quân bình nhưng vẫn cần có điểm nhấn.
Tính ổn định
Với người Việt Nam, phong thủy xuất phát từ cuộc sống của cư dân nông nghiệp, do đó việc chọn đất cất nhà luôn hướng đến sự bình ổn cho hiện tại và tương lai, mong đời sau được phát triển vững bền. Ngôi nhà của người Việt gắn chặt với mối quan hệ cộng đồng.
Tính văn hóa
Các bố trí phong thủy luôn xem trọng yếu tố gia đình và đời sống tinh thần, có một chủ nhân cụ thể chứ không có ngôi nhà xếp đặt theo phong thủy chung chung. Phong thủy cũng là một “liệu pháp” tâm lý rất có hiệu quả, đề cao yếu tố tâm linh, tưởng nhớ tổ tiên, kết nối các thế hệ người trong nếp nhà Việt.
Theo: Gia Đình