Dịch vụ do các trường phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ di động triển khai đã giúp nhiều ông bố bà mẹ theo dõi sát hơn việc học hành của con cái.
Thân gửi phụ huynh…
Đầu tháng ba, ông Trần Công nhận được một tin nhắn y như… mật mã: “LT&C – 10; Toan – 9”. Và ông Công rất vui khi đọc được dòng chữ ngắn ngủi ấy, bởi chúng báo cho ông biết quý tử lớp bốn nhà ông vừa được 10 điểm môn luyện từ và câu, 9 điểm môn toán. Đó là một tiện ích mà phụ huynh có con học tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) trong hai tuần đầu tháng ba này đang được dùng thử miễn phí – chương trình Sổ liên lạc điện tử. Tình hình học tập của từng học sinh trong ngày được nhà trường nhắn vào điện thoại di động của phụ huynh bao gồm điểm số của các môn học, bài kiểm tra, kết quả thi… Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể tìm hiểu kết quả học tập của con em bằng cách nhắn tin vào số điện thoại nhất định hay truy cập vào một website. “Lần đầu tiên, kể từ thời tôi mài đũng quần trên ghế nhà trường mới thấy một đề nghị hợp tác hai chiều từ trường mà phụ huynh khó có thể chối từ vì tính hiệu quả thấy rõ”, ông Huỳnh Minh B. có con học lớp hai ở trường Trần Hưng Đạo nhận xét.
Thực ra, dịch vụ sổ liên lạc điện tử – so lien lac dien tu đã có mặt tại Việt Nam từ cách đây vài năm. Năm 2005, một số trường phổ thông ở Hà Nội và TP.HCM đã sử dụng dịch vụ do một công ty viễn thông tầm cỡ cung cấp. Sổ liên lạc điện tử cung cấp thông tin cho phụ huynh dưới hai hình thức: truy cập để nhận tin, và nhận tin tự động theo yêu cầu. Với hình thức nhận tin tự động theo yêu cầu, phụ huynh sẽ đăng ký theo mẫu với nhà cung cấp dịch vụ về các hình thức nhận tin tự động (điểm số, nhận xét của giáo viên, thông báo mời họp phụ huynh học sinh, lịch sinh hoạt ngoại khoá, thể dục, dã ngoại…). Những thông tin cần thiết sẽ được gửi tức thời đến phụ huynh ngay khi kết quả được giáo viên phê chuẩn vào sổ, và nhân viên phòng học vụ lưu vào hệ thống.
Tiện ích nên phải chăng
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã tham gia cung cấp và cả nước cũng đã có hàng chục trường học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông sử dụng dịch vụ này. Với học sinh, đặc biệt là những học sinh tuổi “teen”, sổ liên lạc điện tử chẳng khác nào vòng kim cô. “Xưa, mỗi tháng một lần đối phó với sổ liên lạc truyền thống đã khốn khổ, nay với cái sổ điện tử này, nếu sơ sảy chỉ còn nước chịu chết với ba mẹ. Thôi thì đành cắn răng cày bừa để đừng bị đội sổ”, Nguyễn Minh L. học sinh lớp 10 trường Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) than thở. Nhưng rõ ràng, với đa số phụ huynh ở đô thị, sổ liên lạc điện tử đã giúp họ dù có bận rộn vẫn theo sát được việc học của con em hơn, nắm bắt đầy đủ các thông tin về tình hình học tập của con để kịp thời động viên, đôn đốc chúng.
Hiện nay, một số trường cung cấp dịch vụ này miễn phí, một số nơi có thu phí nhưng không đáng kể. Nhưng ông Trần Công tỏ ra e ngại với mức phí mà sau thời gian thử nghiệm ông sẽ phải đóng nếu muốn tiếp tục sử dụng sổ liên lạc điện tử: “Với mức phí lên tới 54.000đ/tháng (chỉ nhận tin nhắn) và 60.000đ/tháng (nhận tin nhắn qua điện thoại di động cộng với thư điện tử) mà trường đưa ra, tôi e nhiều phụ huynh học sinh không thể nào kham nổi”.
Vậy nên chăng, nhà cung cấp dịch vụ và ban giám hiệu trường tiểu học Trần Hưng Đạo cần ngồi lại tính toán, đừng để một việc làm có hiệu quả tốt đẹp lại gây khó khăn cho nhiều phụ huynh học sinh, nhất là trong thời buổi suy giảm kinh tế như hiện nay.