Đã có gần 10 quốc gia đã tuyên bố “khai tử” hoàn toàn truyền hình Analog để chuyển sang phát số. Luxembourg là nước đầu tiên, sau đó lần lượt đến Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đức, Mỹ… và mới đây nhất là Nhật Bản, ngày 25/7 hoàn tất thành công quá trình chuyển đổi thành công từ truyền hình analog sang truyền hình số.
Làn sóng công nghệ khó cưỡng lại
TS Phạm Đắc Bi, Hội Vô tuyến Điện tử cho biết, so với analog, digital có nhiều ưu điểm vượt trội: hình ảnh rõ, sắc nét, sống động. Ngoài ra, truyền hình kỹ thuật số còn giúp hình ảnh không bị hạt, không bị bóng, không bị nhiễu, âm thanh hifi. Đặc biệt truyền hình kỹ thuật số còn cho phép thực hiện tương tác hai chiều sinh động giữa người xem và nhà đài (ví dụ người xem có thể yêu cầu đài truyền hình phát lại một bộ phim mà họ yêu thích). Đây là điều mà analog không thể làm được.
PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, trưởng Khoa Điện tử – viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng những ưu thế vượt trội của truyền hình số là không thể chối cãi. Với digital, người xem sẽ được cảm nhận ánh sáng và âm thanh chuẩn, rõ nét giống như được xem ảnh không gian nhiều chiều.
Các chuyên gia cho biết, khác với analog, một máy chỉ phát được một kênh, với digital, một máy cho phép phát được nhiều kênh và phạm vi phủ sóng trên toàn quốc. Ngoài ra, với khả năng phủ sóng trên toàn quốc sẽ giúp thúc đẩy hình thành mạng lưới phát sóng. Sẽ có các công ty chuyên phát sóng, còn các đài truyền hình sẽ chỉ tập trung vào khâu sản xuất nội dung. Chất lượng nội dung sẽ được tăng lên. Ngoài ra, việc sử dụng kỹ thuật số cũng làm nhà nước tiết kiệm được tần số, nguồn tài nguyên quốc gia vốn rất bị hạn chế.
Cần có giai đoạn chuyển tiếp
Không phải đến bây giờ giới quản lý, các nhà khoa học và nhà cung cấp dịch vụ mới đưa vấn đề đến bao giờ, truyền hình analog sẽ khai tử ở Việt Nam. Thực tế, Việt nam đã bắt đầu phát hình vào ngày 26.3.2001. Ngày 16.2.2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, sẽ ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình tương tự để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số. TS Phạm Đắc Bi cho biết, “Tháng 3/2010, Đài Truyền hình TP.HCM đã có thông tin về việc đến năm 2015 Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) sẽ ngưng phát sóng trên hệ thống analog, kể cả kênh HTV9, HTV7”.
TS Phạm Đắc Bi cho rằng, bài toán công nghệ không phải là mối lo của câu chuyện chuyển đổi này, song, nếu đột ngột dừng cung cấp dịch vụ mà không có sự chuẩn bị trước cho vài chục triệu người dân thì đó quả là bài toán khó. Ông Nguyễn Đình Xuân, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, truyền hình analog vẫn rất cần trong giai đoạn hiện nay, nhất là phục vụ những người có thu nhập thấp và không có điều kiện để tiếp cận với dịch vụ phải trả tiền.
Tới 2020, khi chuyển hết sang kỹ thuật số thì nên có chính sách hỗ trợ cho người nghèo có thể dùng kỹ thuật số miễn phí, thậm chí hỗ trợ cả đầu thu… Đề xuất của TS Phạm Đắc Bi cũng cho rằng, nên chuyển đổi dần dần từng chương trình, từng kênh rồi đến từng đài một để người dân làm quen và chuẩn bị tiếp cận công nghệ.