Malaysia không chỉ nổi tiếng với những tòa tháp nguy nga, những thánh đường Hồi giáo tôn nghiêm mà còn bởi tòa tháp đôi Petronas Towers tại thủ đô Kuala Lumpur. Công trình này do kiến trúc sư người Argentina, César Pelli, thiết kế và được hoàn thành vào năm 1998. Dù đã gần 10 năm tuổi, Petronas Towers vẫn chưa bao giờ cũ…
Hai tòa tháp nhìn từ trên cao. Ảnh: Flatrock
Petronas Towers có 88 tầng, mọc trên khu đất từng là một trường đua xe. Kết cấu tòa nhà phần lớn là bê tông cốt thép có khả năng chịu lực cực tốt. Bề mặt hai tòa tháp hoàn toàn bằng kính và thép, được thiết kế theo motip nghệ thuật đạo Hồi, tôn giáo chính tại Malaysia.
Petronas Twin Towers ban ngày…
… Và buổi tối. Ảnh: DOOL
Do mặt bằng khá cứng, móng của Petronas Towers được đào sâu tới 120 m, một kỷ lục với các công trình xây dựng nhà cao tầng trên thế giới. Đã phải có một lượng bê tông khổng lồ được đổ ở phần móng để đảm bảo sự vững chắc. Điều kỳ lạ ở đây là mỗi công ty xây dựng chịu trách nhiệm thi công một tòa tháp và phải cạnh tranh nhau về tốc độ. Khởi công chậm hơn Công ty Hazama 1 tháng. Nhưng Samsung Construction, phụ trách tòa tháp thứ nhất đã thắng cuộc. Tuy nhiên khi công trình hoàn thành, người ta phát hiện ra rằng cấu trúc của tòa tháp thứ 2 nghiêng so với phương thẳng đứng 25 mm.
Thiết kế của Petronas được lấy cảm hứng từ các tòa nhà đạo Hồi. Ảnh: Pbase
Thiếu thép do chi phí nhập khẩu quá cao, tòa nhà đã được xây dựng theo thiết kế bê tông siêu chịu lực, một kết cấu khá quen thuộc ở châu Á, giúp tiết kiệm rất nhiều. Tuy nhiên, phần móng sẽ phải chịu sức nặng gấp đôi so với những tòa nhà kết cấu thép. Lõi bê tông kích thước 23 x 23 m và các cột siêu rộng vòng ngoài. Tòa nhà thật sự là không gian lý tưởng cho các văn phòng. Ở đây có những khu vực làm việc rộng từ 1.300 đến 2.000 m2 mà không hề có cột.
Lối đi ở cầu trên không, nối liền hai tòa tháp.
Một điểm nhấn rất ấn tượng của tòa tháp đôi này là chiếc cầu trên không, có chiều cao 170 m và dài 158 m, nằm ở tầng thứ 41 và 42, nơi được xem là tầng chuyển vì du khách muốn lên những tầng cao hơn phải đổi thang máy tại đây. Sau đợt khủng bố ngày 11/9, cây cầy không còn mở cửa cho du khách tham quan. Mỗi ngày chỉ có 1.400 lượt người được vào tham quan và hoàn toàn miễn phí. Tòa nhà đóng cửa vào thứ hai hằng tuần.
Chiếc cầu cũng chính là nơi thoát hiểm, dùng trong các trường hợp hỏa hoạn hoặc sự cố khẩn cấp xảy ra ở một bên tháp. Ngày 12/9/2001, một ngày sau vụ khủng bố nước Mỹ làm sập tòa tháp đôi WTC ở New York, Petronas Towers cũng bị báo động đánh bom. Nhưng khi đó, khá nhiều lộn xộn đã xảy ra. Thực tế cho thấy, nếu trường hợp khẩn cấp xảy ra ở cả hai bên tháp thì chiếc cầu trên không cũng phải… bó tay.
Khu công viên và hồ nước phía trước tòa tháp.Ảnh: DOOL
Phía dưới của tòa tháp đôi là Suria KLCC – một trong những trung tâm thương mại lớn và hiện đại nhất Malaysia và Dewan Filharmonik Petronas, của dàn nhạc Philharmonic nổi tiếng của Malaysia. Bên ngoài tòa nhà là một công viên có đường chạy bộ và lối đi dạo. Một đài phun nước có trình diễn nhạc nước, hồ đi dạo và sân chơi trẻ em.
Tòa nhà thứ nhất hoàn toàn là trụ sở làm việc của Công ty Petronas, chủ đầu tư của công trình và các công ty chi nhánh. Tòa tháp còn lại hầu hết dành để cho thuê. Một số công ty tên tuổi đặt trụ sở ở đây gồm Accenture, Al Jazeera International, Bloomberg, Boeing, IBM, Khazanah Nasional Berhad, McKinsey & Co, Microsoft và Newfield Exploration.
Theo Đô Thị