Nằm trong làng Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, đình Đại Phùng lấy tên làng làm tên đình. Đình quay mặt về hướng Tây Bắc, người ta bảo, đình hợp hướng theo lẽ âm dương giao hòa, khiến thần yên vị.
Ngoài giá trị một trung tâm văn hóa làng xã, đình Đại Phùng còn lưu giữ nét kiến trúc và những mảng chạm khắc dân gian hết sức độc đáo. Mở đầu cho kiến trúc đình là hai hồ lớn, như sản phẩm của tự nhiên. Rồi đến một sân nhỏ lát gạch dẫn vào tòa Tiền tế, tòa này kết cấu ba gian hai chái, độ lớn vừa phải, với bốn hàng chân, bộ vì nóc làm theo kiểu chồng rường. Tiền tế được coi là sản phẩm của nửa đầu thế kỷ XX này. Nơi đây quan viên chức sắc trong làng thường ngồi họp bàn và sửa sang trước khi vào tế Thành hoàng làng.
Một góc đình Đại Phùng.
Qua Tiền tế là tòa Đại đình cũng với ba gian hai chái, song rộng rãi và cao hơn. Dấu vết kiến trúc cổ cho biết, khởi thủy đình được dựng theo hình chữ nhất, nơi thờ Thánh đặt tại gác lửng sau cột cái phía trong tới cột quân. Tới thế kỷ XIX, làng xây thêm phần Hậu cung, tạo cho mặt bằng kiến trúc chuyển sang hình chữ đinh. Hầu như mọi giá trị của đình Phùng đều được dồn vào tòa kiến trúc này với những mảng chạm gỗ của thế kỷ XVII. Đó là những con rồng khá điển hình được chạm ở đầu bẩy, đầu kẻ, cốn… mà người ta vẫn còn thấy ngoài ý nghĩa để tôn vinh Thành hoàng làng, chúng còn là biểu tượng của sự cầu mong được mùa.
Xen kẽ với rồng là nhiều hoạt cảnh vừa phản ánh ước vọng, vừa gắn với hội làng… Ở những mảng chạm khác lại có vẻ sinh động hơn, như cảnh múa quạt, hát cửa đình… Nhưng thu hút sự chú ý hơn là cảnh trai gái tự tình, hồn nhiên như thường thấy nơi thôn dã. Mạnh bạo hơn có cảnh phụ nữ tắm, bị nhìn trộm nên tìm cách che chắn bằng lá sen hay quặp chân… Không chỉ cảnh người náo nức mà cảnh vật cũng vui tươi, như mèo ngậm cá, rồng đùa thạch sùng…
Họa tiết nàng tiên với đôi cánh dang rộng trong đình.
Có thể nói, chạm khắc ở đình Đại Phùng độc đáo, nghệ thuật song khá điển hình cho các kiến trúc đình ở xứ Đoài. Người xưa chạm trổ không cần theo hình tượng tỷ lệ, lấy tính thuận mắt làm chuẩn mực, song lại tạo được một vẻ đẹp dân gian, khiến người xem thấy được cái hữu ý trong phi lý. Mặt khác các mặt chạm được diễn ra một cách đồng hiện, không có ranh giới cụ thể giữa các đề tài, chúng như sản phẩm của dòng tư duy liên tưởng dân giã. Đó chính là điều hấp dẫn trong nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc ở đình Đại Phùng.
Bức chạm nhạc công đàn Đáy ở đình Đại Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Người dân làng Phùng rất tự hào về ngôi đình làng mình, không chỉ bởi nghệ thuật mà còn ở Thành hoàng làng là vị tướng tài có tên Vũ Hùng, người được coi như một người anh hùng. Ngày 18 tháng giêng và ngày 18 tháng mười một hàng năm – ngày sinh và ngày mất của vị anh hùng trên, đã được người dân lấy làm lễ chính của đình.
DiaOcOnline.vn – Theo KTĐT
Ảnh: Internet