Nằm cách trung tâm Sài Gòn vài phút, ngôi nhà phong cách vùng Provence đã mở ra cho chúng ta những cánh cửa để nhìn thấy một cách mua sắm, sắp đặt, tổ chức không gian. Chủ nhân là người Thuỵ Sĩ lai Pháp, ở Việt Nam từ 15 năm nay, bà làm việc trong lĩnh vực du lịch ở châu Á, còn ông là một doanh nhân.
Họ vốn xuất thân từ miền Nam nước Pháp, vùng đất với nhiều dáng dấp Hy Lạp vì có những vách đá, mặt trời, biển xanh, một đặc tính rất Địa Trung Hải. Vì lẽ đó, bằng cách trang trí, nữ chủ nhân đã cố gắng phục hiện cái nắng nóng, mặt trời, cái chất vùng Provence nằm ở phía Nam nước Pháp. Khi họ tìm ra ngôi nhà này, nó đang trong tình trạng xây dựng, vì thế họ đã tham gia và hoàn tất kế hoạch xây dựng và bài trí với nguồn cảm hứng phong cách Provence. Họ cần sống với mặt trời, vì thế vào ban ngày họ đã mở tung ngôi nhà bằng vô số cửa sổ, để rồi chiều về đóng lại bằng những cánh cửa sơn xanh thiên thanh vùng Provence.
Thư phòng, nơi đọc và giải trí của chủ nhân.
Mái ngôi nhà được lợp ngói, tường trát vữa sần rồi tô nhẵn màu trắng và nền lát gạch màu đỏ lửa. Provence, vùng đất vốn nắng nóng và được nhận diện bởi những sắc màu đặc trưng, thì trong trường hợp này lại được nhận diện bởi những đồ vật bằng gỗ và sắt. Những màu chủ đạo của phong cách Provence thường có dáng dấp tự nhiên và vui tươi, theo truyền thống đó là màu vàng nghệ và màu xanh oải hương. Bên trong ngôi nhà được bao phủ bằng những mảng gạch ca rô nhỏ bằng đất nung màu vàng sậm và vài mô típ trang trí kiểu thuộc địa. Nội thất ngôi nhà chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc, được mang về từ những chuyến du lịch của chủ nhân hoặc mua từ Việt Nam ở các tiệm bán đồ cổ trên đường Lê Công Kiều cách đây 10 năm, rất rẻ vào thời đó, hay trong vài cửa hàng trang trí ở trung tâm thành phố. Người ta cũng tìm thấy ở đây những đồ gỗ kiểu thuộc địa (những chiếc ghế Charleston, chiếc bàn thấp hút thuốc phiện), đồ gỗ Trung Quốc, những món đồ cổ truyền thống phía Bắc, Trung và Nam Việt Nam, tất cả đều bằng gỗ. Trên tường là những bức tranh do một người bạn vẽ tặng, mặt nạ mang về từ Bali, tranh vẽ từ Nhật Bản – đất nước mà nữ chủ nhân thường đến. Nhà bếp như một tia nắng nhỏ, soi sáng ngôi nhà bởi màu vàng xanh, bao bọc toàn bộ căn bếp được bố trí thành một khối. Tầng một ngôi nhà dành để nghỉ ngơi gồm có phòng ngủ và phòng nhỏ để chơi đùa, đọc sách, chúng được trang trí với các thiết bị nội thất đỏ kiểu thuộc địa của những năm 40, rất nghệ thuật về kiểu dáng, trộn lẫn với những chiếc ghế bành Thái Lan.
Mỗi phòng đều có nhà tắm với màu sắc riêng và mảng ca rô với mô típ động vật. Hai căn phòng dành cho các con gái chủ nhân thật sự là “phòng công chúa”, với một chiếc giường có tán che hình vuông bằng sắt nung đen cho đứa con đầu và một chiếc giường có tán che theo kiểu Pháp năm 1825 cho đứa con thứ hai, phù hợp với một chiếc tủ mang phong cách Pháp làm bằng cây anh đào với những tua diềm màu sắc áp vào giữa tường, làm căn phòng thật sự sinh động. Phòng nổi bật theo phong cách Bohémie, với một chiếc giường bằng tre bện, một tấm khăn phủ giường được làm trong một nông trường tập thể ở Israel, một chiếc ghế dài lưng chếch bằng gỗ khắc, một bàn trang điểm phong cách nghệ thuật trang trí và những chiếc đèn ngủ cùng phong cách. Ngôi nhà này mang cảm hứng vùng Provence mở ra bên ngoài, với sân thượng là một phần không thể thiếu của không gian sống. Quanh hồ bơi, người ta có thấy những chiếc ghế và bàn ngoài trời bằng sắt nung và bằng tre bện, một môi trường rất ư Địa Trung Hải.
Phòng khách nhiều đồ đạc nhưng vẫn gọn gàng ngăn nắp
Một số đồ trang trí đồ gỗ được mang về từ những chuyến du lịch.
Riêng nhà bếp, thiết kế được áp dụng phù
hợp thói quen làm bếp của người Tây phương.
Cũng có một số đồ gỗ được tìm từ
các cửa hàng trang trí trong thành phố.
Mỗi phòng đều có nhà tắm với màu sắc riêng.
Phòng trang trí theo phong cách Bohémie.
Phòng cô con gái với nội thất đầy cá tính.
Hồ bơi với môi trường “rất Địa Trung Hải”.
Theo SGTT