Cách kinh thành Trường An (Trung Quốc) không xa, nhờ có suối nước nóng, khí hậu ôn hòa, phong cảnh hữu tình nên từ thời nhà Hán, Ly Sơn đã thành chốn du sơn ngoạn thủy của giới vương tôn quý tộc.
Đến nhà Đường, triều đình xây dựng nơi đây thành một hành cung tráng lệ, làm nơi tránh đông của vua và hậu cung (tháng 10 đến tháng 2 hằng năm) đặt tên là Hoa Thanh Cung, còn dân gian gọi là Hoa Thanh Trì.
Tượng Dương Quý Phi ở Hoa Thanh Trì -Ảnh: Duyên Trường
Đây chính là nơi Đường Huyền Tông (tức Đường Minh Hoàng) theo kế của tổng quản thái giám Cao Lực Sĩ đến chạm mặt con dâu là thái tử phi Dương Ngọc Hoàn, mở đầu một câu chuyện tình nổi tiếng trong lịch sử mà nhà văn Nguyễn Tiến Đạt gọi là “chuyện tình Romeo và Juliet phương Đông”.
Một cuộc tình lãng mạn của quân vương và thiếp, đầy đủ cung bậc hỉ nộ ái ố, với ghen tuông, giận hờn bừng bừng như lửa, nhưng lại mặn nồng, đắm say hiếm thấy. Một cuộc tình có đầy ắp thơ, nhạc, ca, múa góp mặt với những danh tác như Vũ khúc Nghê thường, chùm ba bài thơ Thanh bình điệu, với những danh tài như vũ sư Tạ A Man, nhà thơ Lý Bạch… nhưng lại đầy rẫy những trò bất đạo vô luân: cha chồng công khai cướp con dâu về làm vợ, con nuôi rắp tâm tư thông với nghĩa mẫu… Một cuộc tình biến thành chính sự khi “một người làm… phi, cả họ được nhờ”, dẫn đến một dòng họ lộng quyền, một loạn tướng khởi binh, và một cái chết bi thảm ở tuổi 38, thân xác vùi cạn với dải lụa quyên sinh trên đường chạy loạn… Chuyện tình ấy được Bạch Cư Dị viết thành bài thơ Trường hận ca và khiến cả hai đều rất nổi tiếng ở Trung Quốc!
Đây là lầu hong tóc của Dương Quý Phi – Ảnh: Duyên Trường
Thật may làm sao, chúng tôi đến đúng dịp Nguyên tiêu, đoàn nghệ thuật Thiểm Tây đến đây mở lễ hội “Sắc lửa”, biểu diễn chiêu đãi du khách. Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc tràn cả lên dãy Ly Sơn và nhảy múa trên mặt nước hồ Cửu Long trông thật vui mắt. Chín đầu rồng phun nước vào hồ vẽ nên một bức tranh có mây in nước, có gió ghẹo hoa, làm nền cho bức tượng Dương Quý Phi tạc bằng đá trắng đặt phía trước, gần một tảng đá to, cao khoảng 2m, khắc mấy chữ “Hoa Thanh thắng địa”.
Tượng Dương Quý Phi kích thước cỡ người thực, dáng vẻ uyển chuyển như khúc Nghê thường khiến bọn phàm phu tục tử hậu thế chúng tôi vừa thoáng nhìn là say ngay với mấy câu thơ mà Lý Bạch ngày trước đã từng bắt mây, hoa, gió xuân và chốn tiên cảnh của Tây Vương Mẫu vẽ ra nhan sắc, dáng điệu của nàng: Vân tưởng y thường hoa tưởng dung/ Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng/ Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến/ Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng (Mây ngỡ như xiêm áo, hoa tưởng là dung nhan/ Gió xuân nhẹ qua hiên, hoa điểm sương thắm nồng/ Nếu chẳng phải người tiên thấy trên núi Quần Ngọc/ Cũng là người thường gặp dưới trăng chốn Dao Đài).
Trung tâm của Hoa Thanh Trì là các hồ tắm nước nóng. Có hai hồ tắm lộ thiên là Hải Đường Thang và Liên Hoa Thang. Hải Đường Thang là hồ tắm của Dương Quý Phi, kích thước 3,6m x 2,9m, đáy hai bậc, nơi sâu nhất là 1,2m, nước nóng tràn từ dưới đáy lên. Hồ được tạo dáng hình bông hoa hải đường, là món quà sinh nhật của Đường Minh Hoàng tặng Dương Quý Phi, cũng là nơi nghe kể rằng Dương Quý Phi đã từng… tắm táp và nô đùa cùng An Lộc Sơn với “lý do chính đáng”: “Thằng con nuôi của bệ hạ bẩn quá, hôm nay thần thiếp phải bắt nó ra đây tắm rửa và kỳ ghét cho nó!”. Còn Liên Hoa Thang có đầu rồng, đầu phượng, có chỗ cắm hoa sen, kích thước 10,6mx6m, đáy hai bậc, một bậc sâu 0,7m, một bậc sâu 0,8m, chính là quà của “nghĩa tử” An Lộc Sơn tặng Đường Minh Hoàng…
Nhưng không hiểu sao chính lầu hong tóc của Dương Quý Phi mới là nơi làm tôi xúc động thật sự. Lầu cao giờ đã vắng bóng người. Suối tóc xưa nơi đâu, nay chỉ còn lại đám dây leo chằng chịt bám theo vách lầu. Đâu là mớ tóc mà nàng đã cắt đứt trong lần thứ hai bị vua đuổi khỏi cung và trao cho sứ giả của nhà vua với lời nhắn gửi: “Xin gửi lọn tóc để tỏ lòng trung thành, suốt đời này thân thể thiếp mãi là của thánh thượng. Mỗi lần ân ái cùng ai, nếu nhìn thấy lọn tóc này xin bệ hạ hãy nhớ đến thiếp, vậy là thiếp cũng được an ủi lắm rồi!”…
Có một sợi dây leo chắc khỏe chạy ngoằn ngoèo từ trên xuống trông như một dòng nước mắt rất to đã đông cứng nghìn năm, chảy ra từ đôi mắt uất hận vừa kịp khép cho một cái chết bi thương mà chính đức lang quân là người hạ lệnh kết liễu.
Một bi kịch của nhan sắc…“Thương hiệu” Dương Quý Phi và sau đó là ba phu nhân họ Dương khác (đều là thiếp của Đường Minh Hoàng) đã tạo nên một “cơn sốt” thật sự trong dân gian: nhà nhà đều mộng sinh con gái, có con gái thì mong con gái đẹp, có con gái đẹp thì mong được tiến cung! Câu ca truyền miệng thời bấy giờ là:
Đừng buồn nếu con bạn là gái
Đừng vui nếu con bạn là trai
Trai chưa hẳn đã có công hầu
Nhưng gái có thể thành quý phi…
Cơn sốt nhan sắc ấy xem ra đến tận hôm nay vẫn chưa dứt! Cứ nhìn vào ánh mắt “không thể thua cuộc” của một vài bà mẹ đời nay sau cánh gà, nín thở dõi theo cô con gái đang góp mặt trong các cuộc thi sắc đẹp sẽ thấy khát khao ấy cháy bỏng đến mức nào về một cuộc đổi đời… cho mẹ, cho con sau ngày đăng quang!
Theo TTO