Sông Mân bắt nguồn từ vùng cao nguyên miền Bắc tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây đồng bằng Thành Đô, là nhánh sông lớn thuộc thượng du sông Trường Giang.
Thời ấy, hơn 2.200 năm trước, vào mùa xuân và hè, khi nước lũ dâng cao, nước sông tràn xuống qua huyện Quán rồi đổ vào vùng đồng bằng Thành Đô, do mặt sông nhỏ hẹp mà thường gây lũ lụt, khi nước lũ rút đi, để lại những bãi đất nham nhở sỏi đá.
Mân Giang
Thái thú nhiệm kỳ thứ 4 của Thục Quận nước Tần thời chiến quốc đã tổ chức cho những người dân địa phương xây dựng công trình thủy lợi Đô Giang Yến ngay tại co núi trên sông Mân. Đó là năm 251 trước Công nguyên.
Lúc ấy, Lý Binh có một quyết định táo bạo, trí tuệ và ngoạn mục, tạo nên một công trình thủy lợi nổi tiếng thế giới. Và ông là người đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc áp dụng phương pháp khoa học trị lý nguồn nước, góp phần trong việc xây dựng nền văn minh Trung Hoa xán lạn với nhiều phát minh mà cả thế giới phải kính nể.
Đập nước
Lý Binh đã tận dụng những kinh nghiệm về khơi dòng dẫn nước trong trị lý nguồn nước của Đại Vũ thời Trung cổ, phép biện chứng tự nhiên “Tùy theo thực tế mà khơi dòng dẫn nước “. Nhờ thế, hệ thống thủy lợi này đem lại nguồn lợi to lớn, tưới tiêu cho 700.000 ha đồng ruộng thuộc hơn 40 huyện khác nhau, được coi như kiệt tác vĩ đại tạo phúc cho nhân dân một đất nước vĩ đại.
Miệng cá
Đô Giang Yến được hình thành bởi 3 bộ phận đập Miệng cá phân dòng. Phi Sa Yến – luồng chia lũ và xử lý đất cát, Bảo Bình khẩu – cửa miệng nhập nước.
Cầu treo An Lan
Công trình thủy lợi tự động này giải trừ sự đe dọa của thủy hoạn, khiến cho vùng đồng bằng Tứ Xuyên vừa bình an, vừa đầy nước tưới tiêu, thành xứ “Thiên phủ” trù phú, mà Đô Giang Yến được ví như dải ngân hà kỳ diệu trên mặt đất. Hàng năm, hàng trăm chuyên gia thủy lợi nước ngoài đến nơi đây tham quan tìm hiểu, họ rất cảm phục trình độ khoa học của công trình.
Vùng đất này khí hậu 4 mùa, cảnh sắc tươi đẹp, công trình thủy lợi kỳ vĩ cảnh làm cho khung cảnh trở nên ngoạn mục. Từ xa, bạn nghe được tiếng nước chảy, dù nước có dữ dằn như trận chiến Thủy tinh, thì nông dân và du khách vẫn yên lòng, vì thủy tặc đã bị trị bằng khoa học từ thời cổ.
Cây cối xanh từng tầng uốn theo sông, theo độ cao của núi, thấp thoáng ẩn hiện những kiến trúc độc đáo là các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử như chùa Nhị Vương, chùa Linh Nham, công viên Ly Đôi và Ngọc Lũy, phục Long Quan, cầu treo An Lan.
Chùa Nhị Vương
Leo lên Mục Long Quan đến đình Quan Lan, bạn phóng xa tầm mắt – đằng kia núi tuyết Tây Lĩnh, cảnh đẹp núi Thanh Thành và Đô Giang Yến kỳ vĩ có một không hai, với vẻ hiền hòa và mạnh mẽ ngàn năm, bên dưới là dòng nước thao thao đổ vào Bảo Bình khẩu, thật vô cùng tráng lệ, vẻ tráng lệ như bất chấp thời gian.
Có một câu ngạn ngữ nổi tiếng “Con người sợ thời gian. Nhưng thời gian lại sợ các Kim tự tháp”. Nhân loại đã kính nể các Pharaon xây nên kỳ quan ở Ai Cập châu Phi kia, thì cũng nên bổ sung: “Thời gian sợ Đô Giang Yến”.
Đâu chỉ thời gian, mà còn là những con sông dữ, những Thủy Tinh bị trị, mà Lý Binh với khát vọng trí tuệ vì dân đã làm nên công trình trường tồn như thế. Tháng 11-2000, Đô Giang Yến được công nhận di sản thế giới.
Theo Báo Cần Thơ