Thật hiếm có công trình kiến trúc cổ đại nào còn giữ được khá nguyên vẹn như đền Pantheon ở Roma, thủ đô nước Ý. Đây là một trong những di tích lịch sử và công trình kiến trúc độc đáo thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
Chúng tôi tới đây vào một buổi chiều cuối xuân. Có lẽ cũng như mọi ngày trong năm, trước cửa và trong đền luôn tấp nập người vào ra.
Phía trước Pantheon luôn đông đúc khách tham quan
Nằm ngay trung tâm thành phố, cách quảng trường Novona không xa, đền Pantheon mà du khách ngày nay chiêm ngưỡng được xây xong vào năm 125 sau Công nguyên dưới thời hoàng đế Hadrian.
Tuy nhiên đây không phải là ngôi đền đầu tiên được xây dựng ở đây. Kiến trúc sư Marcus Vipsanius Agrippa đã thiết kế ngôi đền đầu tiên từ năm 27 đến năm 25 trước Công nguyên để thờ tất cả các vị thần La Mã.
Sau khi bị cháy lần thứ nhất vào năm 80 sau Công nguyên ngôi đền này đã được tu sửa, nhưng sau lần bị cháy thứ hai dưới thời hoàng đế Traian thì đền Pantheon được xây lại hoàn toàn và tồn tại cho đến ngày nay. Nó hoàn toàn khác với ngôi đền đầu tiên – mặt tiền của nó quay về hướng bắc chứ không phải hướng nam như ngôi đền cũ.
Dòng chữ trên mặt tiền của ngôi đền “M AGRIPPA L F COS TERTIVM FECIT” viết đầy đủ là “M(ARCUS) AGRIPPA L(UCII) F(ILIUS) CO(N)S(UL) TERTIUM FECIT”, có nghĩa: “Marcus Agrippa con trai của Lucius đã xây ngôi đền này khi lần thứ ba ông trở thành Consul” được lấy từ ngôi đền đầu tiên.
Nhìn bên ngoài Pantheon không có gì đặc biệt…
Từ xa, trông Pantheon không có gì đặc biệt nhưng khi đến gần mới thấy sự hoành tráng của nó. Mặt tiền của Pantheon cũng tương tự những đền Hy Lạp, có tám cột trụ bằng đá hoa cương xám, đỉnh cột kiểu côrin, trụ cột bằng đá cẩm thạch trắng.
Tiếp đến là ba hàng cột trụ đá hoa cương hồng chia tiền sảnh đền làm ba phần, trong đó phần giữa dẫn vào phía trong đền. Trong đền không có cửa sổ, ánh sáng được chiếu qua một lỗ hổng (Opaion) trên chính giữa mái vòm.
Điểm đặc biệt của đền thờ này chính là mái vòm của nó
Mái vòm hình bán cầu với đường kính 43,44m là mái vòm lớn nhất trong suốt 13 thế kỷ, mãi đến khi mái vòm nhà thờ Santa Maria del Fiore ở Florence của Brunelleschi được xây dựng xong nó mới bị mất ngôi vị quán quân này.
Mái vòm này được làm bằng bêtông nhưng thuở ấy chưa có cốt thép. Để giảm trọng lượng cho mái vòm, bêtông được trộn với đá nham thạch. Trên đỉnh của mái vòm có một vòng tròn trống đường kính 8,92m, phần cũng để giảm trọng lượng của mái vòm, phần nữa nó là chỗ duy nhất đưa ánh sáng vào phía trong đền.
Vào đây những ngày nắng, du khách sẽ được thưởng thức một luồng ánh sáng huyền bí dội từ trên xuống cứ như mái vòm là bầu trời che chở cả thế giới do các vị thần tạo nên.
Một điểm thú vị nữa là bán kính của mái vòm đúng bằng độ cao của bức tường (21,72 m), nên nếu lộn ngược mái vòm xuống nó sẽ vừa tiếp giáp mặt đất nếu như không có lỗ hổng. Để chịu tải được mái vòm khổng lồ đó, tường đền hình trụ này phải dày đến 6,20m.
Luồng ánh sáng mê hoặc dội qua mái vòm
Cách bài trí bên trong Pantheon theo kiểu tối giản. Họa tiết ở bàn thờ, nhà nguyện, ở các phần mộ, cột đá đều không rườm rà hoa lá cành như bên trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo khác.
Nền lát bằng đá hoa cương bóng loáng, ghép nhiều loại đá nhiều kiểu vân và màu sắc đa dạng rất ấn tượng.
Chất liệu đá hoa cương được lựa chọn cho phần lớn công trình kiến trúc cổ điển phục vụ đông đảo dân chúng ở những nơi công cộng vì độ bền của nó. Hàng triệu triệu người đã đi lại, dậm bước lên đó mà các miếng ghép vẫn hầu như nguyên vẹn cả về vị trí lẫn màu sắc.
Tường và sàn nhà được ốp đá hoa cương nhiều
màu nổi bật lên nhờ ánh sáng từ mái vòm dội xuống
Đền Pantheon thuở đầu thờ các thần La Mã, kể từ năm 609 Pantheon trở thành nhà thờ và từ sau thời kỳ Phục Hưng đến nay cũng là nơi để lăng mộ của các vị vua Ý (Umberto I, Vittorio Emanuel II) cũng như các nhạc sĩ, họa sĩ hàng đầu thế giới như Raphael, Annibale Carracci, Arcangelo Corelli hay kiến trúc sư tài ba Baldassare Peruzzi.
Mộ vua Umberto I có hai cột đá khổng lồ bằng hoa cương
Mộ danh họa Rafael có đặt bức tượng dựa trên ý tưởng từ tranh của danh họa
Pantheon được giữ gìn nguyên trạng cho đến ngày nay một phần lớn nhờ vào sự hào phóng của hoàng đế (Byzantine) Foca khi ông hiến tặng giáo hoàng Bonifaz VIII vào năm 608, để sau đó Pantheon trở thành nhà thờ Santa Maria ad Martyres.
Mái vòm nhà thờ Pantheon là nguyên mẫu của hàng loạt mái vòm của nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới như nhà thờ San Pietro ở Roma hay Panthéon ở Paris. Và đến Roma. bạn nên dành chút thời gian đến với ngôi đền đặc biệt này.
Ai nấy đến đây đều ngửa cổ “dòm” trần nhà với mái vòm danh tiếng
Theo Địa Ốc TTO