Marocco thuộc về khối Maghreb (bao gồm: Morocco, Algeria, Tunisia, Lybia và Mauritiania) nằm về phía tây bắc Phi Châu, được bao bọc bởi Đại Tây Dương (dài 2934 km), eo biển Gibraltar và biển Mediterranean (dài 512 km), cùng giáp ranh giới với các nước Algeria (phía đông) và Mauritania (phía nam), trải trên một diện tích 458.700 km2, nếu bao gồm cả Tây Sahara thì có được 710.850 km2.
Làng quê Marocco.
Morocco có khoảng 31 triệu dân, gồm Arab: 66 %, Berber: 33 % và Jew: 1 %, thủ đô là Rabat, theo chính thể quân chủ lập hiến (parliamentary monarchy).Vua có quyền hành rộng rãi về mặt chính trị và tôn giáo và rất được sự sùng kính của dân chúng. Vị vua hiện nay là Mohammed VI, năm nay 43 tuổi, người kín đáo, học thức rộng (có bằng chứng chỉ Cao học về khoa học Chính trị và Tiến sĩ Luật). Ngày 30/07/1999 ông chính thức lên ngôi kế vị sau khi vua cha Hassan II qua đời.
Ngân hàng Al-Maghrib.
Về mặt phong thổ, khí hậu ở xứ này có sự tương phản rất rõ rệt, nó thay đổi theo từng vùng vì tùy thuộc vào địa thế thiên nhiên: núi Atlas, biển Đại Tây Dương, sa mạc Sahara và đồng bằng. Nói chung có hai mùa rõ rệt: khô nóng ở vùng nam (từ tháng 5 đến tháng 9), lạnh ẩm ướt ở vùng bắc (từ tháng 10 đến tháng 04). Ở Marocco người ta dùng ngôn ngữ khác nhau, từ Ả Rập cổ điển (ngôn ngữ chính dùng trên giấy tờ hành chánh), Ả Rập địa phương (dialectal, thông dụng trong đời sống giao dịch hàng ngày) đến Berber (ở vùng núi, thôn quê).
Ngoài ra Pháp văn còn là môn sinh ngữ chính đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực giáo dục, hành chánh, kinh tế; một ảnh hưởng sâu đậm sau 44 năm dài dưới chế độ thuộc địa (1912-1956, hiệp ước trả độc lập được chính thức ký kết vào ngày 02/03/1956). Kế đến là tiếng Tây Ban Nha (chỉ hạn chế ở vùng phía bắc) và tiếng Anh (hiện tại chưa được thông dụng nhiều). Đơn vị tiền tệ của Marocco là Dirham, 1 DH ~ 0,10 euro, là tượng trưng cho “Trời, Tổ quốc và Vua”.
Một khung cảnh thường thấy ở Marocco.
Dân Morocco rất hiếu khách, sùng đạo, bảo trọng những hình thức cổ truyền như giữ chay vào lễ Ramadan, lễ ăn mừng Aid el-Fitr, lễ dâng hiến trừu để tưởng niệm ông Abraham – Aid el Kebir, đi hành hương, khấn vái, sử dụng tay phải khi cầm thức ăn…
Ở Marocco bạn sẽ gặp những cánh đồng hoang dã khô cằn và những dân quê mộc mạc chân chất. Sẽ thấy rất nhiều trừu, lừa, lạc đà…, những con sông, đồi núi trùng điệp, những vườn cây ăn trái trải dài dọc theo cánh đồng. Sẽ bắt gặp những sản phẩm địa phương đầy sắc màu như: đồ gốm, thuộc da, thảm dệt…., và tha hồ sống lại tuổi thơ trong những trang truyện cổ tích cùng những đền đài lăng tẩm vua chúa thời xa xưa đầy vẻ uy nghi tráng lệ.
Lạc đà trong một sa mạc ở Marocco.
Marocco có 5 thành phố lớn, mỗi thành phố biểu hiệu cho một màu sắc và đều có vẻ đẹp sắc thái độc đáo riêng qua dấu ấn của những di tích lịch sử.
Marrakech là “Thành phố đỏ” (đặc danh theo màu gạch kiến trúc của nhà cửa) thuộc đồng bằng màu mỡ Haouz, nằm dưới chân núi “Thượng Atlas”, được thành lập từ năm 1070, gồm 950.000 dân cư, khí hậu dịu mát vào mùa đông và nóng bức vào mùa hè (có khi llên đến 45o C).
“Thành phố đỏ” Marrakech.
Là một cố đô, trung tâm du lịch quan trọng (thu hút hầu hết những du khách) với những thành lũy, cung điện Bahia (1880), nhà thờ Koutoubia (1158), vườn hoa Ménara (thế kỷ thứ 7), công trường Jemaa el Fna (trung tâm thương mại nổi tiếng đầy náo nhiệt qui tụ đủ mọi sinh hoạt: chợ búa, tiệm ăn, trình diễn nhạc, múa xiếc, biểu diễn của súc vật: rắn, khỉ….)
Một góc Marrakech.
Casablanca là “Thành phố trắng” được xây dựng vào năm 1912, chiếm đông dân cư nhất, tính đến nay con số lên gần 4 triệu (dân Pháp sinh sống tại đây tương đối khá đông khoảng 30.000 người), nằm dọc theo Đại Tây dương do đó khí hậu luôn mát mẻ dễ chịu, hải cảng “Anfa” đóng vai trò quan trọng trong ngành giao thương hàng hải.
Một góc “Thành phố trắng” Casablanca.
Là một thành phố kinh tế, thương mại, Casablanca tập trung đa số những ngân hàng ngoại quốc, các hãng xưởng, đóng vai tiền phong về kỹ nghệ công nghiệp, bị ảnh hưởng nhiều theo kiểu “Mỹ” từ cách sống, lối kiến trúc xây cất cho đến hàng hoá tiêu thụ – kể từ năm 1942 khi quân đội Mỹ đổ bộ vào thời thế chiến thứ hai.
Thuở xưa đã từng bị chiếm đóng bởi quân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp, nay tuy là một thành phố tân tiến hiện đại (có phi trường quốc tế Mohammed V). Casablanca vẫn còn giữ được cái nét cổ truyền trứ danh về nghệ thuật kiến trúc nào những: toà tỉnh trưởng, viện công lý, lãnh sự quán Pháp, Ý, quảng trường “Nations Unies” và đáng kể nhất là nhà thờ Hassan II (lớn nhất thế giới, dựng dọc theo bờ biển trên một quãng trường rộng gần 9 hectares).
Rabat là thủ đô của Marocco, thành lập từ thế kỷ 12, là thành phố “bông hoa” của chính trị, hành chánh, thương mại, và kỹ nghệ. Nơi đây tọa lạc nhiều đền đài quý báu như: cung điện vua Mohammed VI – đương nhiệm – Tháp Hassan II (1929-1999 – vua cha), lăng tẩm của Mohammed V (1909-1961 – ông nội vua)….
Cung điện ở Rabat.
Rabat Hassan Tower.
Meknès mang màu “Xanh lá cây” tươi mát vì thuộc vùng cao nguyên của núi “Trung Atlas”, dân số gồm 500.000 người, nông nghiệp là mối thu lợi chính, là thành phố cổ xưa đã từng đón nhận những nhà “thông thái” (bác học, nghệ sĩ….), người Pháp còn gọi nó là “Versailles marocain” vì có nhiều di tích lịch sử từ thế kỷ thứ 17 như: cung điện, lăng tẩm vua, thành quốc đổ nát La Mã “Volubilis”….
Thành phố “Xanh lá cây”.
Một góc Makés.
Fès là thành phố nằm về phương bắc, cựu thủ đô của Marocco được thành lập từ cuối thế kỷ thứ 8 (cổ xưa nhất), là thành phố của văn hoá “trí thức”, tôn giáo, thương mại và thủ công nghiệp. Ngoài ra còn nổi danh về ngành kiến trúc gổ, đồng, điêu khắc, gồm 1 triệu dân, mang biệt danh của màu “xanh dương”, Fès được Unesco (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc) xếp vào hàng “di sản của thế giới”.
Thành phố “Màu xanh dương”.
Một góc Fés.
Tuy Marocco là một “tiểu quốc” còn nghèo kém về kinh tế, quốc phòng…. nhưng lại rất “giàu” về văn hoá lịch sử nói chung và về lãnh vực kiến trúc nói riêng, cả một gia sản đồ sộ đa dạng đáng được phô trương để tự hào; điển hình qua các công trường, nhà thờ, đền đài cung điện vua chúa…. được xây dựng từ hàng chục thế kỷ với một sắc thái cổ truyền của thủ công nghệ “ghép khảm” (mosaic) đầy kỳ công, tuyệt xảo. Thêm vào những ưu điểm về thiên nhiên Morocco thu hút được vô số du khách, nhất là từ phương Tây.
DiaOcOnline.vn tổng hợp