Bệnh về đường tiêu hóa là loại bệnh thường gặp nhiều nhất ở trẻ sơ sinh do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu và chưa thật sự hoàn thiện. Đây đều là những căn bệnh nguy hiểm mà ba mẹ cần có nhiều thông tin về chúng để phòng tránh và có biện pháp xử lý đúng cách khi con mình không may mắc phải.
Táo bón.
Táo bón là bệnh về đường tiêu hóa mà hầu như trẻ nào cũng mắc phải trong những năm tháng đầu đời. Khi mắc phải căn bệnh này trẻ thường đi đại tiện ít, khó và đau khi đi đại tiện, có chất thải rắn, cứng và khô.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do bé có cấu trúc hệ tiêu hóa bất bình thường như suy giáp trạng, đại tràng phình to. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ mắc táo bón do nguyên nhân này khá thấp, chỉ khoảng 5%. Trong khi đó, bé uống sữa ngoài quá sớm, không được cung cấp đủ nước, chất xơ hay chế độ dinh dưỡng của người mẹ cho con bú thiếu nhiều vitamin, rau xanh chính là những nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh này tại trẻ nhỏ. Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc hay trẻ bị rối loạn tinh thần cũng là nguyên nhân của bệnh táo bón.
Để phòng ngừa căn bệnh về đường tiêu hóa này cho con, mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho cả bản thân lẫn cho trẻ. Cần đảm bảo bé luôn được cung cấp đủ nước, chất xơ thông qua hoa quả và rau xanh khi bé đã có thể ăn dặm. Nếu trẻ bị táo bón, bạn không nên tự ý mua thuốc mà nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có có những biện pháp điều trị phù hợp.
Tiêu chảy.
Tiêu chảy cũng là một trong những căn bệnh về đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh. Dấu hiệu khi trẻ bị tiêu chảy là: trẻ đi đại tiện trên 3 lần/ngày, phân lỏng có khi toàn nước, có thể kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng hay sốt cao.
Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh tiêu chảy ở trẻ là do đường ruột trẻ bị nhiễm khuẩn, nguồn thức ăn của trẻ không đảm bảo vệ sinh hoặc không phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ. Bên cạnh đó, khi bé mắc các bệnh về tai, mũi, họng, hô hấp,… bé cũng có nguy cơ bị tiêu chảy cao hơn bình thường.
Để phòng tránh tiêu chảy, mẹ cần đảm bảo nguồn thức ăn cho bé luôn an toàn, sạch sẽ và cần cách ly bé với những người đang mắc phải căn bệnh này. Hơn nữa, bạn cũng không nên cho bé uống thuốc kháng sinh bừa bãi và trong trường hợp bé bị tiêu chảy do dị ứng với sữa hoặc thức ăn, bạn cần ngưng cho bé sử dụng những loại sữa hay thức ăn này ngay lập tức.
Khi bị tiêu chảy bé thường bị mất nước, do đó bạn cần cung cấp đủ nước cho con bằng nước lọc thông thường hoặc bằng Oresol theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời, bạn nên cho bé uống sữa không có chứa đường lactose để làm hạn chế sự phát triển của bệnh. Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy nặng và kéo dài, bạn nên đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
Sôi bụng.
Tuy không phải là căn bệnh về đường tiêu hóa nguy hiểm nhưng sôi bụng lại thường khiến trẻ khó chịu và nó cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bình thường của bé. Khi mắc bệnh này, bụng của trẻ thường phát ra nhiều tiếng ùng ục với nhiều mức độ to nhỏ khác nhau do ruột non và ruột già hoạt động không tốt.
Trẻ có thể bị sôi bụng do phải uống sữa ngoài quá sớm, sữa không được pha đúng cách hoặc không hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng của mẹ có đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị sôi bụng. Do vậy, để phòng tránh căn bệnh này, mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bản thân và phải cho bé ăn uống sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh trong mọi trường hợp.
Kiết lị.
Kiết lị là căn bệnh về đường tiêu hóa nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, thậm chí nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Bệnh do ký sinh trùng amibe và trực khuẩn shigella gây ra với những dấu hiệu cơ bản như: trẻ bị sốt, hôn mê, đi đại tiện phân ít nhưng có chất nhầy và máu. Khi thấy trẻ có hiện tượng này ba mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
Dương Minh