Tính kiên nhẫn là một đức tính cần thiết cho sự thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc của mỗi người. Nó là một trạng thái tinh thần được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện lâu dài và không dễ gì có được. Đối với trẻ em, nếu người lớn kịp thời hướng dẫn, dạy trẻ tính kiên nhẫn sẽ giúp bé ngày càng hoàn thiện nhân cách và phát triển tốt hơn.
1. Giải thích cho bé hiểu
Việc giải thích cho bé hiểu thật sự rất cần thiết khi bố mẹ muốn bé có được đức tính kiên nhẫn. Có rất nhiều bố mẹ bỏ qua bước này mà khiến cho bé có cảm giác không được tôn trọng hoặc khó chịu khi bị ép làm một việc gì đó.
Chẳng hạn, khi mẹ muốn rèn luyện tính kiên nhẫn cho bé bằng cách bắt ép hoàn thành hết công việc đang làm dở sẽ khiến bé khó chịu. Bởi vì trẻ em vốn mau chán, dù với việc bắt đầu chúng thích nhưng nếu không có đức tính kiên nhẫn sẽ khiến chúng mau chán và bỏ dở.
Bố mẹ có thể bắt đầu giải thích cho bé đức tính kiên nhẫn bằng cách kể về các câu chuyện hay các tấm gương về kiên nhẫn ở cả góc độ tích cực lẫn tiêu cực để bé hiểu. Mẹ cũng có thể lồng các câu hỏi mở và liên hệ trực tiếp đến bé để bé suy nghĩ về cái lợi khi có đức tính tốt này và hậu quả nếu thiếu tính kiên nhẫn.
2. Luôn tạo điều kiện cho bé kiên nhẫn
Có rất nhiều cha mẹ, khi trẻ thích bất kỳ đồ chơi nào cũng mua chon gay lập tức, trẻ thích chương trình tivi nào cũng chiều, chỉ cần trẻ đòi lập tức cho ăn lập tức cho ăn… Những hành động tưởng chừng vô hại đó lại có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của bé sau này. Việc được đáp ứng hết tất cả các yêu cầu sẽ khiến bé có xu hướng nghĩ rằng “Bố mẹ có thể cho mình bất cứ thứ gì” và tạo thói quen ỷ lại, mất kiên nhẫn.
Do đó, thay vì đáp ứng ngay mẹ có thể nói với bé “Bây giờ mẹ đang bận, con hãy tự đi lấy hoặc đợi mẹ” nếu như đó là yêu cầu hợp lý. Hoặc đối với yêu cầu bất hợp lý, mẹ có thể nghiêm khắc từ chối.
Hầu hết mọi trẻ em đều mau chán và thiếu kiên nhẫn nên bố mẹ cần từ từ động viên, uốn nắn và bắt đầu ngay từ nhỏ để không trở thành thói quen xấu. Các biện pháp khuyến khích, khen thưởng kết hợp với sự nghiêm khắc khi trẻ mất kiên nhẫn sẽ giúp bé có ý thức để tự kiên nhẫn hơn.
3. Kiên trì với bé
Để xây dựng được đức tính kiên nhẫn cho trẻ cần một thời gian rất dài và cần cả sự kiên trì của bố mẹ. Khi trẻ thiếu kiên nhẫn bố mẹ cần nhắc nhở ngay lập tức, nếu tình trạng đó diễn ra quá nhiều lần mẹ cũng nên nhẹ nhàng nhắc nhở bé và chú ý tránh quát mắng, đe dọa khiến bé sợ hãi.
Sau khi bé đã có được ít nhiều thể hiện được tính kiên nhẫn, mẹ cũng nên thường xuyên chú ý đến quá trình tiếp theo của bé để không làm mất đi tính kiên trì đó.
4. Cho bé chơi đồ chơi mang tính kiên nhẫn
Muốn bé có tính kiên nhẫn, trước tiên bố mẹ cần bồi dưỡng khả năng tập trung chú ý ngay từ những việc nhỏ nhất, đó sẽ là điều kiện tốt nhất để bé dễ dàng kiên nhẫn với những việc quan trọng hơn. Hiện nay, có rất nhiều loại đồ chơi có thể rèn đức tính kiên nhẫn cho bé bao gồm: Ghép hình, so sánh hai bức tranh, đất nặn… Những đồ chơi đó đều đòi hỏi sự tập trung cao của bé giúp bé chú tâm vào chơi, không bị phân tán bởi những yếu tố xung quanh và hình thành đức tính kiên nhẫn.
Hoàng Hà