Sau khi xác định được trục và phân khu chính phụ toàn nhà, việc xắp xếp không gian chi tiết cho nhà nhiều tầng thường tuân thủ theo thứ tự “cửa – bếp – gia chủ” để phối kết hợp lý giữa các thành phần khác nhau trong tổng thể. Các tầng lầu có thể giống nhau hoặc khác nhau, chủ yếu là đảm bảo trường khí nơi cư ngụ.
Tính toán cho hệ cửa
Khí được kết nối qua các hệ cửa, ban công, không gian nối giữa các tầng…
Miệng nạp khí và nối kết các không gian với nhau chủ yếu qua hệ thống cửa. Nếu nhà chỉ có một gia đình cư ngụ thì cửa chính ở tầng trệt là hướng giao tiếp, nạp khí chính. Nhưng trường hợp nhà có nhiều gia đình, nhà lầu cho thuê hoặc căn hộ chung cư thì cửa chính là lối vào không gian của căn hộ ấy.
Vì thế, khi chọn mua hay thuê căn hộ, cần chọn hướng cửa chính này phù hợp với tuổi người cư ngụ bên trong. Cửa ra ban công của các tầng lầu là hướng cửa cảnh quan và khí hậu, không có người ngoài ra vào. Do đó, có thể bố trí cửa ban công sao cho đón được nhiều gió lành, tránh nắng gắt, giảm tầm nhìn xoi mói từ nhà lân cận và tạo được góc nhìn tốt cho người trong phòng.
Khu bếp – ăn
Vị trí bếp trong nhà nhiều tầng dù bố trí ở tầng nào chăng nữa vẫn tuân thủ nguyên tắc “tọa hung hướng cát” (lưng bếp xoay về hướng xấu, miệng bếp nhìn về hướng tốt so với tuổi chủ nhà). Một số nhà muốn thông thoáng hoặc tận dụng diện tích nên đem bếp đặt dưới gầm cầu thang hoặc bên cạnh giếng trời cầu thang, điều này cũng gây ảnh hưởng xấu vì luồng di chuyển lên xuống đem theo bụi bặm mất vệ sinh, gió hút tắt bếp và mùi nấu nướng lan tỏa.
Đối với bàn ăn, cũng nên tránh gầm cầu thang và lối đi lại băng ngang trên đầu. Nói chung, không gian dưới hành lang và cầu thang trên lầu chỉ nên làm tủ kệ hoặc chỗ tiếp khách tạm thời.
Theo Thanh Niên