Ích mẫu
Cây ích mẫu mọc hoang ở nhiều nơi và được bà con ở một số vùng trồng để làm thuốc. Theo y học cổ truyền, ích mẫu có vị đắng, tính mát, có tác dụng khử ứ, sinh tân, điều hòa kinh nguyệt, lợi thủy, dùng chữa các bệnh cho phụ nữ như kinh nguyệt bế tắc, máu ứ tích tụ sau khi sinh, trước khi thấy kinh bị đau bụng, hoặc kinh ra quá nhiều.
Ích mẫu còn có tác dụng làm an thai, giảm đau, dễ đẻ. Thân và quả của cây giã đắp ngoài chữa vú sưng đau. Hạt dùng làm thuốc phụ khoa và có tác dụng làm co tử cung. Trong cây chứa một số hoạt chất có tác dụng đối với huyết áp, tim mạch, hệ thầ kinh, viêm thận phù cấp tính và kháng khuẩn.
Ngải cứu
Theo y học cổ truyền, ngải cứu đã phơi hay sấy khô có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng điều hòa khí huyết, kinh nguyệt không đều, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, cầm máu do băng huyết, chứng bạch đới ở phụ nữ do tử cung lạnh, đi lỵ, thổ huyết, chảy máu cam, đau dây thần kinh và ghẻ lở. Có thể dùng tươi hay phơi khô sắc uống, hoặc tán thành bột uống. Phối hợp với ích mẫu, cỏ cú dùng điều hòa kinh nguyệt cho phụ nữ. Dùng ngải cứu phối hợp với tía tô sắc uống hoặc giã uống, có tác dụng chữa động thai.
Nhân trần
Nhân trần có vị đắng, tính bình, hơi hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, dùng chữa thân thể nóng, da vàng, tiểu tiện không tốt. Đặc biệt, nhân trần là loại cây rất thích hợp cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Dùng cây phơi khô sắc uống hàng ngày cho phụ nữ sau khi sinh có tác dụng tiêu hóa tốt, làm săn cơ bắp, da thịt hồng hào, chóng lại sức. Trong dân gian có câu ca truyền miệng: "Nhân trần, ích mẫu đi đâu/ Để cho gái đẻ ốm đau thế này?"
Rau mùi
Toàn cây rau mùi có tinh dầu với thành phần chính là coriandrol (65-70%) được dùng làm nước hoa, dầu gội đầu, làm rượu, ướp chè. Hạt tươi quả mùi hắc nhưng sấy lên thì mùi trở nên thơm, dễ chịu. Tính năng công dụng của mùi trong Đông Tây y tương tự các cây cỏ có tinh dầu, như gây hưng phấn thần kinh, kích dục, tăng trí nhớ, kích thích ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt hơn, chữa nôn trướng bụng (gây trung tiện) giảm đau răng, đau thắt dạ dày ruột. Hàm lượng catoren (tiền vitamin A) trong lá gấp 10 lần cà chua, dưa chuột và đậu ván. Hàm lượng canxi, sắt cao hơn các rau khác. Ngoài ra còn chứa các vitamin B1, B2, B6, B12, C, E và các chất khoáng như kẽm, selen, magie, đồng…
Rau mùi còn làm cho sởi mọc nhanh và đều. Trước mùa sởi lấy cây rau mùi già rửa sạch, hong gió cho khô để nấu nước tắm, giặt quần áo cho trẻ 1-2 tuần một lần. Khi bị sởi dùng lá hay hạt giã nhỏ, nhuyễn với ít rượu trắng, cho vào gói vải xoa nhẹ lên người thứ tự từ trên xuống tay chân (trừ mặt) hoặc phun bằng miệng (sau khi đã súc miệng sạch) xong mặc áo kín, tránh gió lùa.
Chè Vằng
Cây chè Vằng mọc tự nhiên ở khắp nơi trên đất nước ta, ở đồng bằng cũng như miền núi, từ Hà Giang đến Lâm Đồng. Nó có thể mọc ở các bờ rào, bờ giậu và chịu đựng tốt trong mọi điều kiện thời tiết, khí hậu. Chính vì khả năng phân bố rộng rãi của cây chè Vằng nên nó đã trở thành nguồn dược liệu phong phú.
Cây chè Vằng có công dụng chữa thông huyết, điều kinh, đau bụng, hay điều trị đau khớp xương. Chè Vằng còn có thể dùng cho chị em phụ nữ sau khi sinh bị nhiễm trùng, sốt cao, viêm hạch bạch huyết, điều kinh, đau bụng hay khớp xương, mọi người có thể sắc uống một liều 20-30g khô/1ngày.
Với các bệnh như thiếu máu, mệt mỏi, kém ăn, đau bụng hay vàng da, mỗi ngày ta có thể uống 8-16 g. Ở một số vùng như Quảng Nam, Đà Nẵng hay Bình Trị Thiên, phụ nữ sau sinh sắc chè Vằng khô uống cả ngày để kích thích ăn ngon miệng, tăng tiết sữa. Nước chè Vằng còn dùng để tắm trị ghẻ ngứa.
Củ gừng
Gừng có tác dụng tán hàn, ôn trung, hồi dương, thông mạch, hạ khí, hóa đàm, trừ ho, trợ lực cho thuốc phát biểu và lợi tiểu. Trong ăn uống: gừng giảm bớt tính lạnh của thức ăn lạnh (bầu bí, các loại cải, thủy hải sản (ốc, của, cá), gia cầm (vịt), gia súc (thịt bò thịt trâu)). Ốc hấp lá gừng là sản phẩm tuỵêt vời, ngon bổ!
Gừng làm thức ăn uống dậy mùi thơm (bánh xuân cầu, mứt, chè bà cốt, rượu, bia…). Chống nhiễm vi sinh vật trong các loại dưa.
Gừng có tác dụng phòng và chữa bệnh:
Cảm lạnh, ho sốt không ra mồ hôi và rối loạn tiêu hóa.
– Uống trong: bằng nhiều cách nhai tươi, nuốt cả cái lẫn nước, ngậm gừng khô, gừng nướng… uống nước gừng sắc.
– Dùng ngoài ở trường hợp cảm lạnh: dùng gừng đánh gió, dã gừng đắp khi bị chấn thương, gây sưng bầm khớp đau nhức, côn trùng thú cắn. Gừng phòng chống thấp khí vùng rừng núi nên rất cần cho đồng bào dân tộc thiểu số để bảo vệ sức khỏe lâu dài bằng những cách trên như một vị thuốc quý tại chỗ.
Khi đi xa hoặc đi du lịch, chị em nên mang theo gừng. Gừng để chống say tàu xe nôn mửa. Gừng không gây buồn ngủ nên du khách tỉnh táo chiêm ngưỡng cảnh đẹp trên đường, phòng chống rối loạn tiêu hóa do thức ăn lạ ở những nơi mới đến, phòng cảm gió lạnh khi trở trời trên hành trình, chống tê mỏi do phải ngồi lâu trên ô tô. Trà gừng rất tiện lợi và hữu ích, khi đi xa nên mang theo để có thể sử dụng.