Đó là người đàn ông tầm thước, nhỏ nhẹ và giản dị trong trang phục, cử chỉ. Anh nói hình thức tuy không hợp; tuổi đời, suy nghĩ và cảm nhận có đổi khác nhưng máu thám tử trong mình lúc nào cũng hừng hực như thời niên thiếu.
Giấc mơ thời niên thiếu
Sinh năm 1956 tại Hà Nội trong một gia đình cán bộ công chức, những ngày đầu làm quen với sách, truyện, với anh, sau văn học là những tác phẩm trinh thám. Chất lãng mạn, kiêu bạc của họ làm anh ngưỡng mộ.
Ám ảnh đó theo Nguyễn Hữu Vinh đến tuổi trưởng thành. Cậu học sinh lớp chọn Trường cấp III Chu Văn An ngày đó đã nộp hồ sơ thi vào Trường Công an trung ương (nay là Đại học An ninh), mặc dù đủ điểm đi nước ngoài. Ra trường, Vinh trở thành một sĩ quan an ninh. Sau những lăn lộn thực tế, điều tra, hỏi cung những tên tội phạm, Vinh tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng đấu tranh, khai thác.
Số phận đưa đẩy, Vinh chuyển sang công tác tại Ban Việt kiều. Và gần đến tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, Vinh nhận thấy rằng mỗi môi trường sống hay làm việc, dù khó khăn hay thuận lợi cũng đều cho anh những kinh nghiệm, bài học quí báu. Vấn đề là anh phải nhìn ra nó. Thời gian công tác ở Ban Việt kiều đã cho Vinh những trăn trở mà trong cương vị một công chức anh không thỏa mãn được.
Đó là những Việt kiều bao năm lưu lạc nay muốn về quê tìm lại những người máu mủ của mình nhưng không biết làm cách nào. Nhiều người phiêu bạt xứ người nay có chút lưng vốn muốn về nơi chôn nhau cắt rốn để lập nghiệp nhưng không biết lựa chọn đối tác tin cậy.
Những năm tháng trong ngành an ninh đã giúp Vinh tin rằng nếu yêu nghề thì không cần một đặc quyền nào anh cũng có thể bảo vệ được sự thật. Anh nuôi khát vọng sẽ tự mình làm điều đó. Anh muốn tìm rõ những bí ẩn luôn che mờ mỗi số phận, mỗi con người. Anh quyết định xin nghỉ việc, theo học luật, ngoại ngữ để chuẩn bị dấn thân vào khát vọng của riêng mình.
Khi thám tử vào đời
Năm 1999, qua tâm sự với người bạn từ nước ngoài về, Vinh có ý tưởng mình sẽ làm thám tử tư. Thời thế tạo anh hùng, đúng thời điểm đó Luật doanh nghiệp ra đời. Các công dân VN có thể kinh doanh bất cứ thứ gì nếu pháp luật không cấm. Với đời sống hiện nay, thị trường của thám tử không hạn hẹp. Nghề này không đòi hỏi vốn lớn… Vinh quyết định thành lập công ty thám tử tư.
Để chắc chắn, Vinh đến một luật sư khá nổi tiếng thuê đăng ký kinh doanh. Luật sư đồng ý và hẹn 10 ngày sau nhận giấy phép. Sau đó, luật sư cho biết Sở Kế hoạch – đầu tư Hà Nội đang nghiên cứu vì ngành nghề này chưa từng có mặt ở VN. Vinh tìm đến Sở Kế hoạch – Đầu tư và được biết không chỉ có một hồ sơ xin thành lập công ty thám tử tư mà là hai. Hồ sơ kia là của chính ông luật sư Vinh thuê.
Cán bộ sở nói theo quy định, sau hai tuần nhận hồ sơ chúng tôi phải trả lời. Nhưng thám tử tư là nghề chưa có trong danh mục nghề nghiệp ở VN. Sở có công văn xin ý kiến bộ. Bộ nói nên tham khảo Bộ Công an. Đó là lý do chậm trễ… Với tình hình này, Vinh biết sự ra đời của công ty sẽ còn nhiều trắc trở. Hình như cảm nhận được khát vọng và lòng chân thành của Vinh hay là trong số có quí nhân phù trợ, hay trong rủi có may mà ông trưởng phòng đăng ký kinh doanh đã tư vấn cho Vinh.
Ông nói: “Tôi thấy trong danh mục nghề có loại dịch vụ điều tra và bảo vệ. Anh đăng ký chỉ hoạt động trong lĩnh vực dân sự và kinh tế thì tương đồng với loại nghề này. Anh nên đổi tên doanh nghiệp thì thuận lợi hơn…”. Mừng như bắt được vàng, Vinh chấp nhận ngay. Làm lại hồ sơ lấy tên công ty điều tra & bảo vệ.
Vinh thêm gạch ngang và chữ V, “đa nghĩa” – anh cười bảo khi có người thắc mắc. Bảy ngày phấp phỏng đợi mong, cuối cùng trời cũng chiều người. Còn bộ hồ sơ công ty thám tử tư của ông luật sư nọ thì không biết đang nằm ở đâu.
Vinh quyết định không đi thuê trụ sở mà đặt công ty tại nhà. Vừa rộng và không tốn kém, vừa kín đáo. Về bộ máy ban đầu một mình Vinh phải sắm các vai giám đốc, kế toán, nhân viên… Nhiều đêm khách hàng gọi đến, Vinh vùng dậy cố lấy giọng tỉnh táo như nhân viên trực ban để trả lời, rồi tư vấn… Tuyển nhân viên khác thì dễ nhưng nguồn thám tử ở đâu? Tiêu chí nào? Những đơn hàng ban đầu Vinh cân nhắc rất kỹ mới nhận. Anh kêu gọi bạn bè hỗ trợ.
Vụ thì hợp tác cùng công ty luật, vụ thì với công ty sở hữu trí tuệ, vụ thì cùng một số anh em xưa cùng học ngành công an nay làm trong những ngành nghề khác… Mỗi vụ việc lại có nhiều công đoạn, mỗi công đoạn sẽ có cộng tác viên riêng. Qua đó, từng bước Vinh tìm nhân viên cho mình…
Sang phần đối ngoại. Công việc ban đầu là giám đốc đi làm nhân viên tiếp thị. Dịp ấy cứ ai mời đám cưới, hội nghị, sinh nhật… dù bận mấy Vinh cũng đến. Gặp bạn bè, họ hàng, người quen, quan khách… Vinh đều gửi tờ rơi tự in (vì chưa có tiền thuê in), danh thiếp giới thiệu mình là thám tử tư. Ai có nhu cầu cứ đến thám tử. Mặt khác Vinh đăng ký dịch vụ giải đáp qua bưu điện, hợp tác với các trung tâm tư vấn gia đình, tư vấn pháp lý và anh em báo chí… để tất cả các đầu mối này đều thông với mình.
Thế là ngay từ cái tên đã hấp dẫn, nhu cầu xã hội lại cao, cộng với những thành công liên tiếp, uy tín của công ty thám tử cứ thế vang xa. Chưa đầy một năm sau gần như ngày nào công ty cũng có khách hàng.
Tâm nguyện thám tử
Nguyên tắc thám tử của Vinh là tuyệt đối giữ bí mật cho khách hàng, không bao giờ chống lại khách hàng và chỉ nhận những việc thuộc quan hệ dân sự, kinh tế. Là người thiên về tư duy logic nhưng Vinh thừa nhận hình như cuộc sống cũng có sự sắp đặt bí ẩn của nó. Đó là câu chuyện về đơn hàng đầu tiên, khách hàng đầu tiên trong đời thám tử của Vinh.
Chiều đông, chiếc xe hơi sang trọng đưa đến công ty một người đàn ông áo choàng, cặp da lớn. Ông nói: “Tôi là giám đốc khách sạn H ở quận Ba Đình, muốn thuê anh tìm đứa cháu đích tôn chín tháng tuổi đã bị mẹ nó đưa đi sáu tháng nay không tin tức. Không cần ký hợp đồng mà tôi đem theo camera và máy ghi âm lưu lại cuộc làm việc này. Ta cùng niêm phong, xong việc cả hai cùng hủy…”.
Ông ta trình bày: con trai ông là gã phong tình, quyết kết hôn cùng cô tiếp viên tỉnh lẻ trong quán hát. Mâu thuẫn ngay sau ngày cưới, chúng xô xát, vợ nó ôm thằng con trai sáu tháng tuổi đi mất tích để moi tiền gia đình ông… Ông nhấn mạnh việc quan trọng không kém chuyện tìm cháu là phải có được chứng cứ con dâu ông hành nghề mại dâm để sau này tòa xử ly hôn sẽ giành quyền nuôi con cho gia đình ông. “100 triệu vụ này. OK?”.
Vinh nghĩ: tìm một cô gái quán hát lại có con nhỏ rất đơn giản. Tìm chứng cớ một ca ve hành nghề còn đơn giản hơn. Nhưng câu chuyện có những vấn đề không rõ ràng. Thứ nhất, cô gái ôm con đi nhằm gây sức ép moi tiền nhà chồng là lý do không thỏa đáng vì theo ông khách, từ khi đi đến giờ cô không liên lạc, không để lại bất cứ thông tin gì để móc nối với gia đình ông.
Thứ hai, việc không ký hợp đồng, xóa sạch cam kết và yêu cầu phải có chứng cứ để nêu trước tòa kèm theo một khoản tiền kếch sù mà một doanh nhân tinh ranh như ông bỏ ra có nghĩa là thám tử phải làm một việc xứng đáng. Đó là dàn dựng cảnh mua dâm đưa đối tượng vào bẫy quay phim, ghi âm. Việc đầu tiên là phải tìm sự thật.
Tìm một cộng tác viên vào vai khách làng chơi đến quán hát xưa cô gái thường lui tới. Sau vài ngày, Vinh biết cô gái đang thuê nhà ở Láng Trung và làm tiếp viên ở một quán hát trên đường Bưởi. Tiếp cận, khai thác. Kết quả: gia đình nhà chồng đối xử tàn tệ, lăng nhục, không xin việc và không đưa tiền. Chồng nghiện hút và nặng thói trăng hoa. Cô quyết lìa bỏ địa ngục đó…
Thám tử Vinh báo lại tình hình cho thân chủ (trừ địa chỉ) và nói: “Chúng tôi chỉ nhận việc tìm cháu nhỏ. Việc tìm chứng cớ mẹ cháu thì không thể”. Cuộc thương lượng của hai bên lập tức kết thúc. Vinh mất ba triệu đồng và nhiều ngày tìm hiểu, bỏ qua 100 triệu của ông bố chồng nhiều quỉ kế.
Vinh nói anh đã không thể bịt tai với tiếng khóc xé lòng của đứa bé xa mẹ khi chưa biết nói; không thể dập vùi, chà đạp lên chút lành lặn cuối cùng của một thân phận đã ở đáy cùng xã hội.
Nghề thám tử luôn bị đặt giữa ranh giới của tình người và tiền. Chỉ một cái tặc lưỡi, một phút vô tâm bạn sẽ có một khoản tiền lớn mà vẫn hợp pháp, không ai trách cứ được bạn, trừ tấm lòng. Vụ việc đầu tiên đó đã trở thành câu chuyện truyền kỳ cho anh em công ty và cũng là nguyên tắc bất biến của các thám tử. Một nguyên tắc chỉ có lương tâm mới kiểm soát được.
Còn rất nhiều người chưa tin rằng VN có thám tử tư. Khi gặp Vinh, người ta ngỡ rằng anh là ông tổ của nghề này ở VN. Vinh cười và bảo: “Máu thám tử của dân mình đã có từ xưa. Tôi chỉ là người nối gót”. Anh đã cho chúng tôi địa chỉ của một trong những thám tử tư đầu tiên ở VN đã có mặt cách đây gần nửa thế kỷ. Đó là ông Lê Văn Lương, quê tại thôn Kim Thượng, xã Kim Bình, Kim Bảng (Hà Nam).