Được hình thành từ cuối năm 2001 bởi nghệ nhân Ý Lan, nghệ thuật tranh cát Việt Nam đến nay đã hoàn thiện hơn, toát lên vẻ đẹp lạ kỳ làm say đắm lòng người.
Tranh cát – tranh cat Việt buổi ban đầu còn khá đơn điệu về màu sắc và chỉ thể hiện được những hoa văn, hình khối đơn giản. Nhưng qua thời gian, tranh cát ngày càng tinh xảo và có chiều sâu cảm xúc. Những hạt cát như reo vui, nhảy múa, mang nét đẹp cuộc sống vào tranh. Không chỉ tả cảnh thiên nhiên, tranh cát còn thể hiện thư pháp, chân dung, thậm chí tái hiện những họa phẩm nổi tiếng của thế giới. Một điều không thể phủ nhận nữa là kỹ thuật chế tác của các nghệ nhân đã điêu luyện hơn, việc làm tranh cát 4 mặt với những đường nét uốn lượn, cầu kỳ đối với họ không có gì là khó nữa. Như vậy, so với thuở ban đầu, tranh cát hiện nay đã đạt đến độ thẩm mỹ cao, không thua kém gì các loại hình hội họa khác.
Bên cạnh thương hiệu của "người đàn bà nghịch cát" Ý Lan, sự xuất hiện của những tên tuổi mới như Vạn Thiên Sa, Hồng Châu Sa, Kim Sa… đã làm phong phú thêm thị trường tranh cát Việt Nam. Tranh cát Ý Lan và Vạn Thiên Sa có điểm tương đồng là chỉ sử dụng màu cát tự nhiên để thổi vào tranh cảm giác nồng ấm, nguyên sơ. Trong khi đó, họa cát Kim Sa lại mang hơi thở hiện đại và lung linh màu sắc nhờ khai thác màu cát nhuộm. Hai chữ "họa cát" làm nhiều người thắc mắc. Theo anh Trần Trung Kiên, người sáng lập thương hiệu Kim Sa: "Phong cách họa cát làm tranh cát thêm sang trọng và lộng lẫy. Những bức tranh cát không còn đứng yên trong khung thủy tinh mà đã được treo lên tường cho người yêu tranh thỏa sức ngắm nhìn".
Bằng niềm đam mê và tấm lòng đối với cát Việt, những nghệ nhân không ngừng tìm tòi, sáng tạo để đưa tranh cát lên tầm cao mới. Tranh cát hiện nay không còn là một sản phẩm thủ công đơn thuần dùng để trang trí nữa mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Tranh cát Việt Nam cũng được đánh giá cao so với các nước trên thế giới, vì vậy, môn nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc này cần phải được gìn giữ và phát huy để trở thành một điểm nhấn đặc trưng của văn hóa Việt.