Nhìn từ góc độ phong thủy thì mặc dù tủ tường không đóng vai trò quan trọng bằng ghế salon, song vẫn cần chú ý một số yếu tố tránh gây nên cục diện xấu.
Tủ tường có cao, có thấp, có dài, có ngắn nên rất khó đưa ra kết luận chung. Tuy nhiên, phòng khách rộng thì nên kê tủ tường cao và dài. Ngược lại, phòng khách hẹp thì nên kê tủ tường nhỏ và thấp. Nghĩa là cần chọn tủ tường có kích cỡ phù hợp với diện tích của phòng khách. Bởi lẽ, kê tủ tường nhỏ ở phòng khách rộng thì sẽ tạo cảm giác trống vắng, còn kê tủ tường to ở phòng khách hẹp thì sẽ tạo cảm giác chật chội, khó chịu.
Tủ tường cao thường được dùng để bày tivi, dàn âm thanh và những vật trang trí khác, còn tủ tường thấp thì đa phần được dùng để bày vật trang trí hoặc treo tranh chữ. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, phải chọn tranh chữ và đồ vật trang trí phù hợp với phong thủy, có vậy mới tạo nên hiệu ứng mang lại may mắn.
Theo phong thủy thì cao là sơn, thấp là thủy. Trong phòng khách có cao có thấp, có sơn có thủy mới mang lại hiệu ứng phong thủy tốt đẹp.
Trong phòng khách thì ghế sofa thấp là thủy, còn tủ tường cao là sơn, đây là sự kết hợp lý tưởng. Tuy nhiên, nếu tủ tường thấp kết hợp với ghế sofa thấp thì sẽ tạo nên cục diện có thủy mà không có sơn, do đó nhất thiết phải thay đổi.
Cách hóa giải là đặt 1 bức tranh theo chiều dọc trên tủ tường thấp để khiến tủ tường cao hơn ghế salon, như vậy vừa đơn giản lại có hiệu quả. Treo tranh ở tủ tường thấp nên chọn tranh có chủ đề về sơn thủy. Về nguyên tắc, nếu phòng khách thiết kế theo kiểu phương Đông thì nên chọn tranh liên quan tới sông núi, còn nếu phòng khách thiết kế theo kiểu phương Tây thì lại nên chọn tranh sơn dầu, tranh màu nước liên quan tới cảnh rừng núi, ao hồ.
Một số người thích bày bể cá trên tủ tường thấp. Trong trường hợp này nên đặt bể cá ở bên đầu tủ gần phía cửa sổ. Nghĩa là, nếu cửa sổ ở bên trái tủ tường thì nên đặt bể cá ở góc trái trên mặt tủ, còn nếu cửa sổ ở bên phải tủ tường thì nên đặt bể cá ở góc phải trên mặt tủ. Nên chọn loại bể cá nhỏ, hình chữ nhật.
Nếu phòng khách rộng mà tủ ngắn thì sẽ chừa khoảng trống khá lớn ở 2 bên tủ, do đó khí vượng đến rồi lại đi, khó mà tụ, nên không phải là cục diện may mắn. Gặp trường hợp này, có thể đặt 2 chậu cây cảnh lá to, có sức sống như cây phát tài, cây thiên tuế ở 2 bên để bù lấp khoảng không gian trống trải. Đặt 2 chậu cây lá to ở 2 bên tủ ngắn như vậy sẽ giống như 2 cánh tay ngắn được nối dài ra, phong thủy học gọi chúng là Thanh long Bạch Hổ, có thể giúp thu tài nạp khí.
Sự kết hợp giữa tủ tường cao và ghế sofa trong phòng khách sẽ là cục diện lý tưởng trong phong thủy vì 1 cao 1 thấp, 1 thực 1 hư.
Rất nhiều gia đình mua tủ cao về bày trong phòng khách, vừa tiện ích lại vừa có thể làm đẹp không gian. Tuy nhiên, nếu phòng khách hẹp thì lại không nên kê tủ tường cao vì như vậy sẽ tạo cảm giác chật chội, bức bí. Cần thay tủ tường có chiều cao thấp hơn, nên đảm bảo khoảng cách từ đỉnh tủ tới trần nhà khoảng 60cm. Như vậy, trông phòng khách sẽ thoáng đãng hơn. Khoảng không gian 60cm này khá quan trọng trong phong thủy, “sinh khí” sẽ có chỗ tự do đi lại mà không sợ bị cản trở. Còn về mặt thiết kế thì khoảng không gian 60cm này được giới họa sĩ gọi là “lộ bạch”, sẽ khiến toàn bộ kết cấu phòng khách trở nên linh hoạt hơn.
Nếu phòng khách nhỏ mà lại thích chọn tủ tường cao thì nên chọn loại tủ tường ở giữa rỗng. Đặc điểm của loại tủ này là dưới nặng trên nhẹ, giữa rỗng. “Dưới nặng” là chỉ nửa phía dưới khá to, còn “trên nhẹ” là chỉ nửa trên nhỏ, “giữa rỗng” là chỉ ở giữa trống không. Nói cách khác, “lộ bạch” di chuyển từ vị trí đỉnh xuống vị trí giữa. Mặc dù tủ tường ở giữa rỗng cao chạm trần nhà, song ở giữa vẫn có 1 khoảng trống, do đó không tạo cảm giác bức bí hay chật chội. Nửa dưới tủ có thể dùng để cất giữ đồ vật, do đó cần có cánh tủ che chắn, còn nửa trên được dùng để bày các đồ vật trang trí, lưu niệm. Khoang trống ở giữa để ti vi hoặc dàn âm thanh.
Theo: Rước lộc vào nhà