"Khoảng 70% nguồn lực quốc gia đang tập trung tại các cơ quan và doanh nghiệp Nhà nước, lực lượng này có thế lực rất lớn về kinh tế và gắn với bộ máy hành chính, họ không dễ từ bỏ những đặc lợi của mình và có điều kiện để cùng nhau trì níu những cơ chế có lợi cho họ".
Có 6 lý do phải cải cách việc cấp giay phep kinh doanh và cải cách quy chế về kinh doanh nói chung.
Thứ nhất: Chi phí trực tiếp cho việc này rất lớn. Nếu tính ở mức 3% GDP (như của Australia) thì mỗi năm chúng ta tiêu tốn 1,2 tỉ USD cho việc này, gần bằng lượng vốn ODA đổ vào nước ta trong vài năm gần đây.
Thứ hai: Chi phí gián tiếp gây ra làm bóp méo cơ cấu hình thành giá, làm lệch lạc sự phân bố nguồn lực. Cả hai thứ chi phí đó cộng lại khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chịu thiệt thòi nhất, có thể mất cơ hội phát triển, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế chung.
Thứ ba: Nếu tình hình cứ như hiện nay thì sự phát triển của các doanh nghiệp sẽ bị kìm hãm trong tiềm năng và nhu cầu rất lớn. Hiện nay nước ta có 20 vạn doanh nghiệp, mục tiêu của chính phủ là đến năm 2010 con số này phải tăng lên 50 vạn. Ta hay nói đất nước phát triển dưới tiềm năng, doanh nghiệp có tiềm năng lớn, không phát huy tốt thì do chính mình chứ do ai?
Thứ tư: Cải cách sẽ tạo sự công bằng tốt hơn. Phát triển phải đi đôi với công bằng. Công bằng trước hết là công bằng về cơ hội cho mọi người chứ không chỉ qua các chính sách xã hội hay điều tiết bằng thuế. Nếu ta chỉ dành cơ hội kinh doanh cho một số người có giấy phép thì sẽ làm mất cơ hội cho nhiều người khác.
Thứ năm: Cần xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn để kinh tế phát triển mạnh hơn và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Cuối cùng: Cải cách để củng cố vai trò của Nhà nước. Nhà nước không thể mạnh được nếu cái gì cũng muốn làm, muốn quản. Nhà nước chỉ nên tập trung những việc quan trọng, đúng với vai trò, chức năng của mình còn các việc khác nên để xã hội làm. Chúng ta cần một nhà nước có hiệu lực hơn trong việc điều hành, quản lý vĩ mô, cần Nhà nước cộng tác tốt hơn với thị trường để thị trường phát triển.
Tại sao cần như vậy mà việc cải cách lại diễn ra chậm chạp?
Phải đặt thực tế này trong bối cảnh chung. Việt Nam là một nên kinh tế đang chuyển đổi, vai trò của Nhà nước và thị trường chưa được phân chia rõ ràng, có những việc đáng lẽ thị trường làm thì Nhà nước lại làm. Thứ đến là cải cách hành chính của ta còn chậm so với cải cách kinh tế. Vì vậy mới thường sử dụng những công cụ hành chính như giấy phép với quy trình cấp rất phức tạp, tốn kém cho Nhà nước và xã hội mà hiệu quả lại không cao.
Một số vấn đề khác là về sở hữu. Khoảng 70% nguồn lực quốc gia đang tập trung tại các cơ quan và doanh nghiệp Nhà nước, lực lượng này có thế lực rất lớn về kinh tế và gắn với bộ máy hành chính, họ không dễ từ bỏ những đặc lợi của mình và có điều kiện để cùng nhau trì níu có lợi cho họ. Mặt khác thể chế kinh tế của nước ta nhìn chung vẫn còn năm bất cập chính:
1- Bất cập về tư duy: Đến giờ mà một số người trong các cơ quan công quyền vẫn còn tư duy "quản được đến đâu thì mở đến đó" – rõ ràng là không phù hợp với những điều đã ghi trong Hiến Pháp là người dân và doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trên mọi lĩnh vực mà luật pháp không cấm. Họ thường nhìn người dân với giả định phạm tội, không tin vào năng lực của người dân trong khi đó quá tự mãn với vị trí và năng lực của mình, tự cho mình là đúng khi phán xét nên cho làm, việc kia không nên cho làm.
2- Bất cập về nhận thức giữa quyền nhà nước và của người dân, doanh nghiệp. Đáng lẽ quyền của cơ quan, công chức Nhà nước là quyền hữu hạn, chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, người dân mới được làm tất cả những gì luật pháp không cấm.
3- Bất cập trong việc nhìn nhận đâu là lợi ích Nhà nước, đâu là lợi ích cộng đồng, đâu là lợi ích người dân. Có những cái có quan Nhà nước hành xử tưởng là vì lợi ích cộng đồng nhưng không trúng. Sự bất cập này thường là do nhìn nhận không đúng, phần là do thái độ sợ trách nhiệm, và tệ hơn nữa là có những trường hợp sự lợi dụng, lạm dụng danh nghĩa Nhà nước để mưu cầu lợi ích cục bộ, riêng tư.
4- Chúng ta thiếu một cơ chế giám sát. Các cơ quan Nhà nước được trao và tạo cho nhau rất nhiều quyền nhưng không có cơ chế giám sát hữu hiệu, cả giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước và giám sát của người dân.
5- Bất cập về trình độ, năng lực của chính bộ máy và cán bộ Nhà nước. Ngoài ra người dân, doanh nghiệp cũng có những bất cập. Đó là việc chưa ý thức được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện. Nhiều doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi sự đảm bảo của Nhà nước bằng văn bản đối với những quyền đương nhiên của mình.
Đây là một phản xạ dễ hiểu, do một quá trình lâu dài không quen đương nhiên thụ hưởng những quyền này, nên khi được trao thì vẫn cứ nghi ngại, mặt khác cũng muốn có bằng chứng để đối phó với những sự hạch hỏi của những người ở cơ quan công quyền.
"Văn hóa" của người Việt Nam về việc tuân thủ pháp luật cũng có những nét đặc thù tiêu cực: trọng quan hệ hơn trọng pháp luật, thiên về chạy để xin quyền cho riêng mình hơn đấu tranh để cho tất cả cùng được hưởng những quyền chính đáng mà pháp luật đã quy định. Trình độ, năng lực người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng thể chế, giám sát thể chế, thực thi pháp luật còn yếu.
Có cải cách được không?
Việc cải cách phải xuất phát từ bình diện tổng thể, lâu dài. Pháp luật nước ta còn 6 cái thiếu là thiếu minh bạch, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ, thiếu ổn định, thiếu tiên liệu và thiếu khả thi. Các doanh nghiệp đối phó lại bằng 3 không là: không nói thật, không làm lớn, không làm lâu dài.
Để cải cách trước hết cần phải giám sát quá trình lập pháp và lập quy. Bản thân quá trình ban hành văn bản pháp quy hiện nay còn bất cập. Đến như Quốc hội cũng dễ bị các cơ quan soạn thảo luật "lừa". Những tuyên ngôn về nguyên tắc chung nêu trong các dự thảo luật đều rất hay, nhưng người ta "cài bẫy" thủ tục, giấy phép bất hợp lý trong các điều khoản cụ thể. Quốc hội phải làm tốt việc "nhận diện" này.
Kế đến cần tạo dựng các thiết chế để người dân thực hiện tố quyền, yêu cầu hủy bỏ các văn bản pháp quy đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ một cách bất hợp lý. Về lâu dài, nên dần áp dụng các thông lệ tốt của nhà nước. Ví dụ, nên tiến hành đánh giá dự báo tác động pháp luật (RIA), qua đó trả lời các câu hỏi; lý do có giấy phép, nó có hợp hiến, hợp lý không, có thật cần không, có thể sử dụng các phương án khác không, chi phí như thế nào và cân bằng với lợi ích ra sao.
Theo Nhà Quản lý