Tập đoàn Knight Frank và ngân hàng Citibank of U.S cùng kết hợp các con số báo cáo thống kê của mình để đánh giá và xếp hạng những thành phố có mức phát triển nhất thế giới. Danh sách này được thực hiện dựa trên 4 cơ sở nghiên cứu: mức phát triển kinh tế, tầm ảnh hưởng chính trị trên toàn cầu, mức sống của người dân và tốc độ cập nhật thông tin cũng như khả năng áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ cao nhanh nhất thế giới.
Sau đây là 10 thành phố được đánh giá là xa hoa, hiện đại và có mức phát triển cao nhất trên thế giới:
1. New York – Mỹ
New York là thành phố đông dân nhất tại Hoa Kỳ và là một trong những vùng đô thị đông dân nhất trên thế giới. Với vai trò là một thành phố toàn cầu tiên phong, New York có một tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thương mại, tài chính, văn hóa, thời trang và giải trí toàn cầu. Là nơi Liên Hiệp Quốc đặt tổng hành dinh nên nó cũng là một trung tâm quan trọng về các vấn đề quốc tế. New York nổi bật trong số các thành phố Mỹ sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều nhất. Đa số các phương tiện giao thông này hoạt động 24 tiếng mỗi ngày.
Nhiều khu dân cư và danh lam thắng cảnh của thành phố trở nên nổi tiếng trên thế giới. Tượng Nữ thần Tự do đã chào đón hàng triệu di dân khi họ đến Mỹ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Phố Wall, trong vùng Hạ Manhattan, là một trung tâm tài chính quốc tế bề thế kể từ Đệ nhị Thế chiến và là nơi có Thị trường Chứng khoán New York. Thành phố cũng là nơi có nhiều tòa nhà nằm trong số những tòa nhà cao nhất trên thế giới, trong đó có Tòa nhà Empire State và tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới.
2. Thủ đô London – Anh
London là một trong những thành phố nổi tiếng nhất Liên minh châu Âu. Sự phát triển của London ngày càng gia tăng trong những năm đầu của thế kỷ 21, và trở thành thành phố hiện đại bậc nhất trên thế giới hiện nay.
Một sự vực dậy về kinh tế từ thập niên 1980 trở đi đã tái thiết lập vị trí của London như là một trung tâm thương mại nổi bật. Tuy nhiên, vì là nơi của nhà nước và là thành phố quan trọng nhất trong vương quốc, nơi đây là một mục tiêu thường xuyên của khủng bố.
3. Thủ đô Paris – Pháp
Nổi tiếng với tên gọi Kinh đô ánh sáng, Paris là một trung tâm văn hóa lớn của thế giới và cũng là một trong những thành phố du lịch thu hút nhất. Sự nhộn nhịp, các công trình kiến trúc và không khí nghệ sĩ đã giúp Paris mỗi năm có đến 30 triệu khách nước ngoài. Thành phố còn được xem như kinh đô của thời trang cao cấp với nhiều khu phố xa xỉ cùng các trung tâm thương mại lớn.
Là nơi đặt trụ sở chính của các tổ chức quốc tế như OECD, UNESCO… cộng với những hoạt động đa dạng về tài chính, kinh doanh, chính trị và du lịch đã khiến Paris trở thành một trong những trung tâm trung chuyển lớn nhất trên thế giới và được coi như một trong bốn “thành phố toàn cầu” cùng với New York, London, Tokyo.
4. Thủ đô Tokyo – Nhật Bản
Không chỉ là trung tâm hành chính của Nhật Bản mà Tokyo còn là trung tâm kinh tế của thế giới. Là một trong 3 trung tâm kinh tế toàn cầu cùng với New York và London, theo điều tra của PricewaterhouseCoopers, khu đại đô thị Tokyo (35,2 triệu người) có tổng GDP theo sức mua lớn nhất toàn cầu.
Tokyo là trung tâm tài chính quốc tế, là nơi đặt trụ sở chính của một vài ngân hàng đầu tư và công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, đóng vai trò đầu mối của Nhật về giao thông, công nghiệp xuất bản và phát thanh truyền hình. Tokyo còn được xếp hạng bởi Economist Intelligence Unit là thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới (giá sinh hoạt cao nhất) trong 14 năm liền cho đến 2006.
Thị trường chứng khoán Tokyo lớn thứ nhì trên thế giới tính theo trị giá thị trường của các cổ phiếu được niêm yết, với hơn 5.000 tỷ USD. Chỉ có Thị trường chứng khoán New York là lớn hơn.
5. Thành phố Los Angeles – Mỹ
Thành phố này được nổi danh là kinh đô điện ảnh thế giới. Rất nhiều minh tinh sống ở thành phố Beverly Hills lân cận và nhiều phim và chương trình truyền hình được thu tại Hollywood, một phần thành phố này.
Nền kinh tế của Los Angeles được thúc đẩy bởi thương mại quốc tế, truyền hình giải trí, điện ảnh, công nghệ âm nhạc, không gian, công nghệ, dầu khí, thời trang, trang sức, du lịch. Los Angeles cũng là trung tâm chế tạo lớn nhất Hoa Kỳ. Các Cảng Los Angeles và cảng Long Beach cùng nhau tạo thành cảng quan trọng ở Bắc Mỹ và là một trong những cảng quan trọng của thế giới và có vai trò quan trọng đối với thương mại trong Vành đai Thái Bình Dương. Các ngành quan trọng khác bao gồm truyền thông, tài chính, viễn thông, luật, y tế, vận tải.
6. Thủ đô Brussels – Bỉ
Brussel là thủ đô của Bỉ, của khu vực Vlaanderen và Cộng đồng Pháp tại Bỉ, và cũng là nơi đặt trụ sở chính của các cơ quan Liên minh châu Âu.
Brussel là thành phố nằm ngay trung tâm của nước Bỉ, và dĩ nhiên là thành phố tự trị lớn nhất trong khu vực. Brussel có dân số là 140.000 người, và tính chung vùng đô thị là 2.090.000 người. Brussel cũng là nơi đặt trụ sở chính trị của NATO, WEU và EUROCONTROL.
7. Singapore City – Singapore
Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi. Singapore là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn.
Singapore còn là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở châu Á. Nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ (chiếm 40% thu nhập quốc dân). Singapore cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức.
8. Thủ đô Berlin – Đức
Berlin là một trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học quan trọng của châu Âu. Đô thị lớn này là một điểm nút giao thông và một trong những thành phố thu hút được nhiều khách du lịch nhất của lục địa nhờ nền văn hóa đa dạng, lâu đời và đậm chất châu Âu. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, nhà hát và viện bảo tàng tại Berlin có danh tiếng quốc tế.
Berlin là trụ sở của rất nhiều đài phát thanh và truyền thông địa phương cũng như toàn liên bang. Bên cạnh các đài truyền hình như MTV, Nick, VIVA, VIVA Plus, Sat.1, N24, TV.Berlin hay FAB tại Berlin còn có nhiều đài phát thanh tư nhân. Các đài phát thanh và truyền hình thuộc nhà nước như RBB, Deutsche Welle TV và DeutschlandRadio cũng có trụ sở tại Berlin. Góp phần vào tầm quan trọng chính trị của thủ đô là các “studio thủ đô” của các đài phát sóng trên toàn liên bang như ARD, ZDF hay RTL.
9. Thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc
Bắc Kinh là một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc và là thành phố lớn thứ nhì của nước này về dân số, sau Thượng Hải. Bắc Kinh được xem như trung tâm chính trị, văn hóa và giáo dục của Trung Quốc.
Sự phát triển của Bắc Kinh tiếp tục diễn ra với nhịp độ cao và sự mở rộng rộng lớn của Bắc Kinh đã tạo ra một loạt vấn đề cho thành phố. Bắc Kinh được biết đến vì sương khói cũng như các chương trình “tiết kiệm điện” thường xuyên do chính quyền đặt ra. Kể từ năm 2005, nền kinh tế và mức phát triển của Bắc Kinh tiếp tục leo thang một cách chóng mặt với mức tăng trưởng GDP từ 8% đến 11%/năm. Các lĩnh vực đầu tư bất động sản và ôtô ngày càng bùng nổ và phát triển mạnh mẽ.
10. Thành phố Toronto – Canada
Toronto là thành phố lớn nhất của Canada và cũng là thủ phủ của bang Ontario. Với diện tích khoảng 630 km² và một dân số trên 2,7 triệu, đây là một trong những trung tâm thương mại, tài chính và công nghiệp lớn nhất thế giới.
Toronto là thành phố đa văn hóa, sắc tộc, nghệ thuật và được xem là một trong những thành phố an toàn nhất Bắc Mỹ. Nó còn nổi tiếng với các cao ốc chọc trời, Đại học Toronto, các đội bóng và băng cầu lớn và ngọn tháp CN cao nhất thế giới.
Theo VTC News