Nhà hát Opéra – ngày nay đổi thành tên Palais Garnier để tỏ lòng tôn kính kiến trúc sư thiết kế nhà hát – là một trong những tòa nhà nổi bật nhất ở Paris. Lúc Napoléon III và Nam tước Haussmann quy hoạch tại thành phố năm 1852, cùng với các đại lộ thênh thang và tầm nhìn theo chiều dài thẳng tắp, họ đã đặt một giải đáp cho tòa nhà chính ở những điểm thống nhất với thiết kế tổng thể. Nhà hát Opéra nằm trên một hòn đảo là nơi hợp lưu của các con đường chính tỏa nhánh, là một điểm như thế.
Thời điểm xây dựng: 1861 – 1875
Mô hình mặt cắt bóc vỏ nhà hát Opéra, trong Bảo tàng viện Orsay:
Thính phòng khiến cả công chúng lẫn người trình diễn đều ca ngợi,
lưu ý tỷ lệ ấn tượng và bố trí cầu thang lớn của Garnier ở giữa.
Việc chọn kiến trúc sư bằng cuộc đấu thầu công khai, tổ chức vào năm 1860, tiếp nhận nặc danh. Khi trọng tài ra quyết định ai là người được chọn, đúng ra chính họ cũng ngạc nhiên, hóa ra là một thanh niên hầu như không ai biết đến – Charles Garnier 33 tuổi, tốt nghiệp trường École des Beaux-Arts và Viện hàn lâm Pháp ở Rome.
Anh chưa có kinh nghiệm, nhưng theo bản năng nắm được yêu cầu: Công trình phải thực hiện chức năng hữu hiệu xét theo quan điểm của khán giả lẫn người trình diễn, đồng thời thể hiện sự phong phú và thích thú ở mỗi đêm diễn trong nhà hát Opéra.
Khái niệm
Như một xuất phát điểm, Garnier chọn nhà hát được thán phục nhiều nhất ở châu Âu, Grand Théâtre ở Bordeaux của Victor Louis. Công trình Tân cổ điển nguy nga này, khởi công năm 1773, thuộc về công trình đầu tiên biến nhà hát thành một công trình tưởng niệm quan trọng của quần chúng.
Khách tham quan trước tiên bước qua một sảnh lớn vào với cầu thang dẫn đến các tầng trên có ghế ngồi và tạo khoảng không gian đi lại khoảng khoát trong giờ giải lao. Thính phòng được phủ trần nhà dạng mái bát úp tựa lên một vòng tròn cột. Garnier hoàn toàn phỏng theo sơ đồ này nhưng thể hiện bằng phong cách Baroque mới, chứ không phải bằng “ngôn ngữ” Tân cổ điển.
Nhà hát Opéra nằm trên một hòn đảo là nơi hợp lưu của
các con đường chính tỏa nhánh (Ảnh: westminster)
Cầu thang của ông thậm chí lớn hơn và đầy ắp các đường cong sang trọng, càng bước lên gần đến chỗ ngồi, khán giả có cảm giác càng ấn tượng với cách trang trí phong phú hơn.
Tầng lan can bằng đá cẩm thạch đa sắc, cột tượng phụ nữ, cột và cầu thang tạo ra cảnh tượng làm khoái chí, nhất là lúc mỗi tầng trong số 4 tầng đều đầy ắp khán giả trong mỗi đêm diễn. Trong thính phòng, Garnier cải tiến tầm nhìn bằng cách tập trung vào các cột đỡ đứng thành từng đôi ở các góc hơn là đứng theo vòng tròn.
Tiện nghi ở hậu trường cũng được sắp xếp hợp lý, với một sân khấu tập diễn ở phía sau, tạo nét cân đối cho toàn bộ công trình. Hoàng Đế được dành một lối vào riêng ở một bên (một phần vì lý do an ninh suýt bị ám sát khi bước vào nhà hát Opéra cũ), trong khi bên kia có một bảo tàng viện nho nhỏ. Vẻ đồ sộ bên ngoài của toàn bộ nhà hát quả thật mang đến sự thỏa mãn về tính hợp lý và tính thẩm mỹ.
Số liệu thực tế:
Diện tích: 11.237m2
Chiều dài: 97m
Chiều rộng (tối đa): 125m
Chiều cao (tính từ móng đàn lyre của thần Apollo): 73,6m
Cầu thang lớn: cao 30m
Thính phòng: cao 20m, sâu: 32m, rộng: 31m (tối đa), 2.200 chỗ ngồi
Chúc đài treo: 8 tấn
Trang trí nội thất
Trong nội thất, cách bố trí và vật liệu phục vụ cho các mục đích khác nhau, trong khi tác dụng toàn bộ của nỗ lực trang trí hoa mỹ tạo cảm giác mạnh trong khắp nhà hát. Trước Garnier, đá cẩm thạch và chất liệu khảm không phải là loại vật liệu quen thuộc của người dân Paris. Garnier lùng kiếm khắp châu Âu, thậm chí đào lại các mỏ đá thời xa xưa để lấy vật liệu quý ông cần.
Một khi đã có đủ số đá cẩm thạch, ông thuyết phục số nghệ nhân điêu khắc của mình tái tạo hình ảnh của khẩu thần công cổ điển và các cột tượng phụ nữ và tượng bán thân, kết hợp nhiều loại đá cẩm thạch có màu sắc khác nhau trong cùng tác phẩm sao cho hiệu ứng đa sắc không bị phai nhòa theo thời gian.
Mặc dù trang trí qua nhiều, Garnier phải tiến hành thương thảo nhiều hợp đồng và nghĩ ra kỹ thuật mới để kiểm soát chi phí. Vật liệu khảm không được khảm trực tiếp bằng tay theo kiểu truyền thống mà phải sắp xếp “úp mặt” xuống giấy bồi, sau đó phủ một lớp vữa mỏng, rồi mới đặt vào trong panel.
Các phẩm điêu khắc The Dance tuyệt vời của Jean-Baptiste
Carpeaux bị nhiều người xúc phạm vào thời ấy, nhưng
Garnier hoàn toàn có lý khi ủng hộ điêu khắc gia của ông
(Tượng ban đầu hiện nay đặt trong Viện bảo tàng Orsay).
Nghiên cứu của Garnier cho thấy chỉ có một vài bề mặt trang trí bắt được ánh sáng cần thiết để làm nổi bật màu vàng mạ, trong khi các bề mặt khác đơn giản chỉ sơn theo tông màu vàng hắt bóng. Thay vì phủ lên các tượng trang trí bằng lớp đồng đắt tiền, Garnier sử dụng quá trình điện phân cần ít vật liệu hơn nhiều.
Phần lớn tài năng của ông nằm ở việc quyết định quy mô, mặt cắt ngang, bảng màu và chủ đề ông muốn đối với một bề mặt hay tác phẩm điêu khắc, sau đó ông để cho họa sĩ ông đã tuyển được chọn ý tưởng của riêng mình. Lúc đó cả hai đều quyết định thành phần sau cùng.
Ông chỉ có một vài cơ hội và chọn những họa sỹ và phục tá có năng lực nhất, những người đã từng học cùng trường Beaux-Arts và Prix de Rome như ông.
Việc ông chọn Jean Baptiste Carpeaux thực hiện tác phẩm điêu khắc mang tên The Dance chứng minh rõ khả năng tự tin của ông trong tư cách nhà thiết kế. Đề xuất sau cùng của Carpeaux tài năng và bướng bỉnh đã gạt bỏ ý tưởng ban đầu của Garnier và thậm chí còn tạo ra nhiều tai tiếng khi phát hiện, Garnier kiên quyết bảo vệ điêu khắc gia nổi tiếng và lịch sử khẳng định sức thuyết phục của ông.
Di sản của Garnier
Garnier hiểu rõ tính độc đáo và hãnh diện về điều này. Khi Nữ hoàng Eugénie phàn nàn bà không thể biết nhà hát xây dựng theo phong cách gì – “có phải theo Henri IV hay Louis XIV hay Louis XV?” – Garnier đáp lại: “Phong cách này theo Napoléon III”. Nhận xét của ông phải được xem là nhận thức của chính ông, thứ nhất về tầm quan trọng của sự ủng hộ vững chắc của thân chủ ông, thứ hai về thực tế của nỗ lực tập thể của một đội ngũ gồm nhiều họa sỹ tài năng làm việc dưới sự chỉ đạo của ông
Nhà hát không phải là một công trình kiến trúc dành cho giới tri thức trầm ngâm suy tưởng, mà là một công trình phục vụ cho sự vui nhộn và tiêu khiển. Kiến trúc như sự tiêu khiển, nhà hát Opéra là một trong những thể hiện đầu tiên một xã hội nouveau-riche đang phát triển, sự thể hiện sở thích có lẽ không được phân tích – tự tin chính mình, sẵn sàng đón nhận bất kỳ một thách thức nào. Sau ngày khánh thành hơn một thế kỷ, phép mầu của Palais Garnier vẫn còn nguyên vẹn.
Mặt tiền đa sắc ban đầu của Garnier, cải thiện
đáng kể diện mạo của nhà hát Opéra. (Ảnh: cybevasion)
Theo Kiến trúc thế giới hiện đại