Là một trong những thành phố bận bịu nhất thế giới, Tokyo ngày nay bao gồm 23 quận nội thành (ku), 26 thị xã ngoại thành (shi) và 8 làng (son hay mura) với tổng số dân trên 12 triệu người. Ngoài các quận, thị xã, làng trong đất liền, Tokyo còn bao gồm một số đảo, có đảo cách xa đến hàng ngàn cây số.
Năm 1603, Tokyo được chọn bởi Tokugawa Ieyasu, lúc đó có tên là Edo. Edo đã trở thành trung tâm hành chánh, văn hoá, kinh tế và thương mại mặc dù ở thời điểm đó thủ đô chính thức vẫn là Kyoto. Tới năm 1869 Emperor Meiji dời đô về Edo, đổi tên Edo sang Tokyo (Đông kinh – 東京) và chọn lâu đài Edo là nơi cư ngụ cho đến đời Emperor hiện nay (lâu đài hiện nay đã được tái thiết nhiều lần).
Lâu đài Edo trước đây.
Khoảng đầu thế kỷ XX, Tokyo bắt đầu phát triển chung quanh các ga xe lửa. Thành phố Tokyo đã phải xây dựng lại nhiều lần, nhất là sau trận động đất năm 1923 (làm trên 142 ngàn người chết) và sau Thế chiến thứ II.
Năm 1964, chưa đầy 20 năm sau khi bại trận, Nhật bản đã phô trương với thế giới thành quả tái thiết của mình qua Thế vận hội 1964 và shinkansen (bullet train). Năm 1965, Tokyo đã qua mặt New York để trở thành thành phố lớn nhất thế giới về dân số.
Qua thập niên 1970, với sự phát triển khu Sunshine và việc xây dựng phi trường Narita đã làm cho dân số Tokyo tăng thêm. Hệ thống chuyên chở công cộng ở Tokyo, mà chính yếu là xe lửa, từ đó trở thành bận bịu nhất thế giới. Ai đã tới Tokyo không thể quên được các ga xe lửa đầy ắp người, đặc biệt là các ga Shinjuku, Shibuya, Marunouchi (Tokyo), Shinagawa, Ikebukuro, Ueno, Akihabara …
Khu Sunshine.
Chúng tôi đặt chân đến Tokyo vào hạ tuần tháng 7. Từ phi trường Nirata đến trung tâm Tokyo mất gần 1 giờ dùng xe lửa tốc hành hạn chế (limited express). Sau đó chúng tôi vào tuyến đường Yamanote (Tokyo loop) đến Shibuya và từ Shibuya đến chỗ ở. Chúng tôi chọn cách di chuyển rẻ nhất, nên đã mất thêm hơn khoảng 20 phút (mất gần 2 giờ thay vì 1 giờ rưỡi từ Nirata đến chỗ ở).
Nhà ga ở Tokyo.
Shibuya (渋谷) là một trong số 29 ga của tuyến đường Yamanote. Đó là ga xe lửa chúng tôi phải dùng hàng ngày khi ở Tokyo. Để chạy một vòng của tuyến xe lửa không trạm đầu, không trạm cuối này, mỗi xe lửa phải mất khoảng 60 phút.
Chúng tôi không biết cùng một lúc có bao nhiêu xe chạy cùng chiều (clockwise) và ngược chiều (anticlockwise). Tôi dự tính khoảng 40 xe, mỗi xe gồm 10/11 toa và dài trên dưới 300m. Trung bình mỗi ngày khoảng 3 triệu rưỡi người dùng tuyến đường này và ga Shinjuku được xếp hạng là nhà ga tấp nập nhất thế giới.
Shibuya.
Nếu trái tim của nước Nhật là Tokyo thì trái tim của Tokyo có lẽ chính là Shinjuku (新宿). Shinjinku là nơi tập trung tất cả các cơ quan hành chánh, với những toà nhà chọc trời được xây dựng trong thập niên 1970, và những cửa hàng thương mại chính yếu. Trên TV, khi có tin tức về Nhật với cảnh đèn neon chớp nhoáng sáng chưng, chúng ta có thể đoán ngay đó là Shinjuku.
Xe Yamanote vừa rời Shinjuku.
Tokyo có nhiều danh hiệu “nhất thế giới”. Thực sự, người Nhật cố tình làm sao cho được danh hiệu đó. Hãy lấy vài ví dụ: tháp Tokyo được dựng lên theo khuôn mẫu tháp Eiffel của Pháp nhưng cao hơn chút đỉnh nên trở thành kiến trúc kim loại cao nhất thế giới (Tháp Tokyo nhẹ hơn tháp Eiffel nhiều do thép mới hơn, có cùng độ bền nhưng nhẹ hơn). Hay là cái vòng quay ở khu Odaiba cũng được coi là vòng quay cao nhất thế giới. …
Tháp Tokyo.
Tokyo nói riêng và Nhật bản nói chung cũng thích làm giống “Mỹ” qua các công trình như bãi biển Tokyo là bãi nhân tạo dựa theo một bãi biển ở Nam California. Hoặc giả tượng Nữ thần Tự do cũng ở Odaiba, rồi cầu Rainbow Bridge v.v.. Có người còn nói nếu Dysneyland ở Tokyo không có các bảng chữ Nhật và chữ Hán thì ta có thể nghĩ là mình đang vào trong Dysneyland ở Nam Cali.
Tượng Nữ thần Tự do.
Cầu Rainbow.
Cũng có thể nói Tokyo đang dần trở thành Los Angeles – một thành phố có phong cách đa dạng, vừa cổ kính, vừa hiện đại, vừa lãng mạn vừa nghiêm túc, vừa trật tự vừa xô bồ.
DiaOcOnline.vn sưu tầm