“Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”, câu đúc kết của giới sành điệu Việt hồi thế kỷ 20 qua đến thế kỷ 21 này có điểm đã sai (chẳng hạn, lấy vợ Nhật, chưa chắc… còn sướng, vì phụ nữ Nhật hiện đại rất độc lập, không còn quá… “tòng phu” như trước nữa).
Một biệt thự Pháp tại Nam bộ: vi khí hậu, hành lang,
dàn cửa sổ rộng (bản vẽ từ 1890)
Nhưng có một điểm càng đúng hơn, đó là “ở nhà Tây”, đặc biệt với xu thế sống trong những ngôi nhà thông thoáng tự nhiên, giảm năng lượng… mà cả thế giới đang quan tâm. Biệt thự Pháp – là một điển hình của “Passive House”. Chúng ta ai cũng thích sự mát mẻ tự nhiên của nó rất ít tiêu tốn năng lượng, vật liệu và phong cách được trích xuất nhiều từ thiên nhiên và văn hoá địa phương nên rất tình cảm và gần gũi với người Việt…
Biệt thự Schneider (1898) nằm sau trường Chu Văn An,
gần Hồ Tây, Hà Nội (ảnh chụp trước năm 1999)
Dĩ nhiên, người Pháp không phải đến đây để xây nhà cho người Việt mà thật ra, ngay từ đầu, các nhà thiết kế và kỹ sư Pháp đã phải tìm tòi để tạo ra một không gian sống thích ứng cho kiều dân của họ với khí hậu ở vùng đất này. Và có thể nói sự bành trướng của nước Pháp ở Đông Dương được thể hiện qua nơi cư ngụ đó.
Ở Việt Nam, với đặc thù khí hậu là nóng, mưa nhiều và độ ẩm cao nên kiến trúc phải giải quyết các thách thức ấy. Đây là hai nhiệm vụ khá mâu thuẫn. Để chống nóng và thoát ẩm, người ta phải mở nhiều cửa cho gió thông thoáng, ngược lại, khi mở như thế lại phải tìm cách che chắn để ngăn không cho nắng mang nhiệt vào nhà và chống mưa hắt nước. Như vậy, căn nhà phải có dàn mái lớn che nắng, mưa, nhưng cần lớp vỏ bọc hở để thoát ẩm và nóng. Do tính chất vừa mở, vừa đóng nên căn nhà phải vận hành như một bộ lọc thông minh như thể biết thay đổi theo các biến đổi trái ngược nhau của thời tiết.
Toàn cảnh dinh thự Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM với
hành lang bao bọc quanh nhà, nhiều cửa sổ, nền cao…
Hàng hiên (Veranda) là một trong những giải pháp cho cùng lúc hai yêu cầu trên. Ý niệm này có được do người Bồ Đào Nha vay mượn của thổ dân da đỏ ở Nam Mỹ. Trong kiến trúc dinh thự Pháp, Veranda bao bọc chung quanh căn nhà (không có phòng ở nào tiếp xúc trực tiếp với nắng mặt trời). Đây là lớp không gian đệm trung gian giữa phần trong và ngoài của ngôi nhà. Hành lang này thường có một dàn cửa sổ to rộng thiết kế công phu với cửa gỗ lá sách bên ngoài để che nắng, mưa nhưng vẫn thoáng (lá sách lại có thể điều chỉnh khép kín hay mở rộng hơn). Ở vùng có mùa lạnh như miền Bắc thì bên trong lại có một lớp cửa kính ngăn lạnh nhưng vẫn lấy được ánh sáng vào mùa đông.
Nhà ở công vụ của một công chức Pháp tại Nam bộ (1920).
dàn mái cao rộng tạo dáng như chiếc nón của người nông dân Việt
Các kiểu nhà Pháp do những gia đình giàu Việt Nam
xây dựng tại Hóc Môn, Gia Định (TP.HCM) từ những năm 1927
Các phòng ở và làm việc bên trong sẽ mở ra hành lang này. Hành lang trở thành một trục di chuyển trong toàn bộ căn nhà, đồng thời cũng là ống dẫn gió đi suốt nhà, lại là lớp không gian đệm giúp các phòng sinh hoạt không bao giờ bị “đun nóng” bởi nắng.
Ở dưới, nhà biệt thự Pháp thường phải xây trên một nền cao để hứng gió, tách xa mặt đất để hạn chế nhiệt hắt từ đất lên. Ở trên là một dàn mái lớn lợp ngói với trần cao giúp tạo ra một đệm không khí để ngăn nhiệt thâm nhập từ mái. Ở đây còn bố trí các cửa sổ mái để thông thoáng nhiệt cho khoảng không gian đệm giữa trần và mái.
Để chống nắng nhiệt đới do mặt trời ở phía đông và tây, hướng nhà thường quay mặt về nam hoặc đông nam, tường nhà thường xây dày 30cm để ngăn nhiệt xâm nhập (không bao giờ có khái niệm tường 10cm như hiện nay).
Các kiểu nhà Pháp do những gia đình giàu Việt Nam
xây dựng tại Hóc Môn, Gia Định (TP.HCM) từ những năm 1927
Trồng cây xanh, che nắng nhiệt đới trực tiếp tạo ra vi khí hậu êm dịu là một kỹ thuật được áp dụng trong tất cả các biệt thự hay dinh thự Pháp.
Ai có kinh nghiệm đều nhận ra, cái tình tứ nhất khi vào các biệt thự hay dinh thự Pháp là các Veranda rộng, mát (đó có thể là tiệm cà phê Continental trên đường Đồng Khởi, dinh thự của toà Tổng Lãnh sự, trường học như Lê Quý Đôn, các biệt thự lớn nhỏ khắp Sài Gòn, Huế, Hà Nội…). Ở đây, người ta ngồi đàm đạo, gặp gỡ đưa tiễn trong cái trang trí của những chậu hoa, vài chiếc ghế và đầy gió mát nhiệt đới.
Hấp dẫn thứ hai là các dàn cửa (cửa sổ, cửa ra vào, cửa mái…) thường làm thật cầu kỳ với cửa lá sách bên ngoài, cửa kính bên trong, các tay nắm hột xoài đúc rất kỹ, gỗ tốt, cửa nặng, chắc nịch và đẹp… Dàn cửa được chú ý như vậy, không chỉ vì mỹ thuật mà bởi đây là toàn bộ hệ thông thoáng của toà nhà.
Hấp dẫn thứ ba là các căn phòng với trần cao, ánh sáng ngập tràn, bên dưới là gạch bông tinh xảo và mát lạnh chân. Bàn ghế nội thất bằng gỗ cổ kính, thỉnh thoảng có mây đan cho êm ái, tường quét vôi vừa sát trùng vừa không có hoá chất độc hại. Hiếm khi có nệm mousse nóng ẩm trên ghế, chẳng bao giờ trải thảm, hay màn cửa cầu kỳ, dày cộm, cộng thêm chút dấu vết rêu phong của ngày tháng.
Cuộc sống của mỗi người chúng ta qua nhiều thế hệ đều ít nhiều có gắn kết với hình ảnh của các căn nhà Pháp. Có lẽ, chính những “ngọn gió” của kỷ niệm, của ký ức, của thời gian cũng góp phần làm cho cái kiến trúc ấy càng… “mát” hơn chăng?!
Một biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội
Từ phòng làm việc nhìn ra, luôn có một hành lang đệm bao bọc
Hành lang rộng, trần cao, dưới lát gạch bông…
vừa là không gian đệm, vừa là trục di chuyển của toà nhà
Phòng khách với trần rất cao, cũng có hành lang bao bọc
Nền nhà tôn cao
Nhà xây kiểu Pháp ở Nam bộ
Một nhà Pháp cổ tại Bình Thạnh, TP.HCM
Lê Vỹ – Theo Sài Gòn Giải Phóng