Ban công là phần nhô ra ngoài tầng gác, có lan can và có cửa thông vào phòng. Không chỉ làm đẹp cho căn nhà, ban công còn tạo ra những khoảng không gian đầy hứng thú, là nơi thư giãn cho các thành viên trong gia đình.
Nếu như những kiểu nhà trước đây thường không chú ý đến ban công thì sự hiện diện của chiếc ban công trong những ngôi nhà cao tầng hiện đại ngày nay lại là điều không thể thiếu.
Nguyên tắc thiết kế ban công
Hình thức chung của ngôi nhà là yếu tố quyết định đến hình thức của ban công. Với những ngôi nhà được thiết kế theo phong cách Châu Âu cổ thì ban công thường được điểm thêm những hoạ tiết trang trí với những gờ, phào, chỉ cầu kỳ. Lan can có thể bằng thép uốn tạo độ cong và sử dụng hoa sắt với nhiều chi tiết tỉ mỉ làm hoạc tiết trang trí.
Ban công đẹp với lan can bằng sắt uốn nghệ thuật.
Với những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc hiện đại, ban công được thiết kế đơn giản hơn với những cách phối màu thích hợp để tạo điểm nhấn cho ngoại thất công trình. Hình thức lan can có thể xây gạch đặc hoặc là những chấn song bằng thép hoặc inox; ngoài ra có thể sử dụng những vật liệu mới như kính hoặc gỗ cũng là một cách trang trí tạo nên một phong cách độc đáo cho ngôi nhà thêm sang trọng. Hoạ tiết cho ban công thường được gia chủ đặt thiết kế đồng bộ với các hoạ tiết của cửa sổ, cầu thang… giúp ngôi nhà trở nên thanh thoát và thêm phần duyên dáng.
Khi thiết kế ban công cho một ngôi nhà, vấn đề chiều cao và kết cấu an toàn, vững chắc luôn được đặt lên hang đầu. Thông số tiêu chuẩn tham khảo về độ cao lan can là từ 1,1 m trở lên; khoảng cách giữa các thanh gióng của lan can cũng không được quá 10cm. Với những gia đình có con nhỏ, không nên sử dụng lan can là những chấn song nằm ngang, trẻ có thể leo trèo rất nguy hiểm.
Để có ban công đẹp, hợp phong thuỷ
Một chiếc ban công xinh xắn sẽ là điểm nhấn làm “tôn” thêm vẻ đẹp của ngôi nhà, bên cạnh đó ban công cũng có ảnh hưởng nhiều trong vật ký kiến trúc cho công trình như tác dụng che mưa, che nắng, chống ồn, thông gió và lấy ánh sang cho toàn bộ ngôi nhà. Việc bố trí ban công ở vị trí thích hợp sẽ mang lại những sự thay đổi nhất định cho môi trường sống trong nhà.
Ban công tốt nhất nên mở ở những góc có tầm nhìn tốt, không bị che chắn, bên cạnh đó cần phải xác định hướng của mặt trời, những điều kiện bên ngoài nhà…
Nếu như ban công nhìn ra phía trước có con đường đâm thẳng vào nhà, giống như cọp dữ phóng thẳng tới vồ, nên tránh mở ban công theo hướng này. Điều quan trọng hơn là ngoài đường xe cộ lưu thông nhiều, ồn ào, bụi bặm không ngừng đổ vào nhà từ phía ban công sẽ làm đảo lộn trường khí yên bình của ngôi nhà, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần của mọi người trong nhà.
Theo quan niệm Phong Thuỷ, ban công không nên đối diện với những góc nhọn chĩa thẳng vào nhà. Góc nhọn đâm thẳng vào ban công nhà với khoảng cách càng gần hoặc càng nhọn thì càng bất lợi cho vận khí của ngôi nhà.. Ngoài ra, ban công cũng không nên đối diện thẳng với cửa chính, nhà bếp và cửa phòng ăn.
Nếu ban công nhà bạn phạm phải một số điều kiêng kỵ trong phong thuỷ như trên mà không có cách cải sửa, bạn có thể dung rèm cửa, đặt bể cá cảnh hoặc trồng giàn hoa leo… như một chiếc bình phong để che chắn, hoá giải.
Trồng cây trên ban công giúp nâng cao vận khí
Trở về với thiên nhiên là xu thế giúp con người lấy lại cân bằng tuyệt với nhất trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Và ban công là khoảng không lý tưởng tạo sự hoà hợp, gần gũi giữa công trình với thiên nhiên; đồng thời là nơi nghỉ ngơi thư giãn cho các thành viên trong gia đình.
Cây cảnh, hoa trồng trên ban công phải luôn xanh tốt.
Có rất nhiều cách để tạo nên một không gian thiên nhiên cho ban công như: dùng cây xanh kết hợp với vật liệu ốp, dùng các tiểu cảnh nhỏ theo thể loại vườn khô, hay vườn khô kết hợp cùng tiểu cảnh nước, cây xanh nhỏ… Khi dùng cây xanh trang trí cho ban công, nên lưu ý chọn những loại cây rễ nông có thể trồng được trong chậu và chú ý đến hệ thống thoát nước.
Đặc biệt, các loại cây cảnh trồng trên ban công ngoài mục đích trang trí để tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà nên có thêm tác dụng sinh vượng về mặt phong thuỷ. Vì thế mà các loại cây chọn trồng trên ban công nên có hình dáng to, sức sống khoẻ, lá dầy và đặc biệt phải luôn xanh tốt. Một số cây điển hình có thể kể đến như: Cây vạn niên, cây kim tiền, cây thiết thụ, cây cọ trúc, cây phát tài, cây diêu tiền… Nếu ban công của gia đình có nắng chiếu trực tiếp suốt ngày, khó giữ ẩm, bạn hãy chọn những loại cây chịu hạn tốt như sương rồng, bát tiên, hoa quỳnh, cây sống đời, sứ Thái, hoa chuối cảnh, hoa giấy…
Mười giờ, vạn niên, kim tiền… là những cây trồng phù hợp trên ban công.
Một điều mà các bạn cũng rất nên lưu tâm: Ban công không nên trồng nhiều loại cây cao thấp, dạng lá khác nhau lố nhố không đẹp. Chỉ nên trồng 1-2 loại, cắt tỉa gọn gang, không trồng cây có lá lớn, rậm rạp nơi ban công, sẽ làm che mất tầm nhìn và vẻ đẹp của ngôi nhà.
DiaOcOnline.vn – Theo Thể thao & Văn hóa